Đại biểu đề xuất tăng mức giảm thuế VAT để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

24/05/2023 - 13:55

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên lề Quốc hội, một số Đại biểu Quốc hội cho rằng, mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) có thể tăng lên 3-5%, điều này sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Lê Thanh Vân, ĐBQH tỉnh Cà Mau trao đổi với phóng viên.

Xem xét giảm thêm thuế VAT

Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2023 và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Chiều 24/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.

Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp, đây là giải pháp cần thiết, góp phần giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, từ đó giúp phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đại biểu Lê Thanh Vân, ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay nền kinh tế đã tiệm cận suy thoái, nếu tiếp tục gia tăng hoặc đơn giản chỉ giữ nguyên việc thu thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ tỉ lệ nghịch với những khó khăn mà doanh nghiệp và người dân đang gặp phải.

"Tôi lấy ví dụ, sức vác của một người chỉ được 20 kg là kiệt sức, nếu bớt đi 2 kg, gánh nặng trên vai họ sẽ giảm, họ có thể đi thêm được 10 bước bữa. Nếu giảm xuống 15 kg, họ có thể đi thêm được 20 bước, 20 bước đó sẽ tạo ra giá trị gấp đôi so với 10 bước. Chính vì vậy, theo tôi, thay vì chỉ dừng lại ở mức giảm 2% thuế VAT, việc giảm thuế xuống tiếp 3-5% sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân và doanh nghiệp", ông Vân đề xuất.

Theo ông Vân, việc giảm thuế VAT sẽ giúp chi phí giá thành hàng hoá xuống thấp, thúc đẩy mua bán, giúp tăng doanh số. Thị trường hiện tại rất cần có những chính sách kích cầu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nếu doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng lên thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng, thu nhập cá nhân cũng tăng lên, từ đó cũng thu được thêm thuế cho ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, giải pháp tài khoá cần song hành với chính sách tiền tệ, gần đây nhất, Thống đốc Ngân hàng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, muốn vậy thì ngân hàng cũng phải giảm chi phí quản lý, chi phí thủ tục, tiết giảm và chia sẻ với khó khăn người dân và doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, quan trọng nhất là cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nguồn vốn mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta có thể chấp nhận giảm thu để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, chúng ta tiết kiệm chi, giảm mạnh chi thường xuyên và cắt bớt các dự án công trình không giải ngân được, thu hồi vốn để tái đầu tư công trình khác hiệu quả hơn, cơ cấu lại dòng tiền phân bổ", đại biểu Lê Thanh Vân cho biết.

Về chính sách giảm thuế VAT theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ, VAT 6 tháng cuối năm đối với toàn bộ hàng hoá đang chịu thuế suất 10% sẽ giảm 2%, xuống mức 8%. Tuy nhiên, cho ý kiến mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình, thống nhất Chính phủ xem xét không mở rộng phạm vi giảm thuế VAT, chỉ giảm theo danh mục hàng hoá theo Nghị quyết 43 đã được thực hiện năm 2022.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng không nên giảm thuế một cách đồng đều các mặt hàng như nhau, cân nhắc để cân đối tiêu dùng. Nghị quyết 43 đã cân nhắc, một số lĩnh vực vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, tăng trưởng lớn như dịch vụ y tế, thuốc men, thương mại online…

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, vừa rồi một loạt ngân hàng báo lãi lớn, thực tế lãi lớn, vậy giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là vô lý. Còn chứng khoán, bất động sản dù còn khó khăn, song việc giảm thuế VAT cũng chưa thuyết phục được.

Đại biểu Quốc hội đề xuất thêm gói hỗ trợ an sinh xã hội

Về vấn đề giảm thuế VAT,  Đại biểu Trần Hoàng Ngân, ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết, trước mắt nên giảm 2% thuế VAT, nhưng thời gian tới, cần tiếp tục giảm thêm loại thuế này để kích cầu tiêu dùng, kích cầu nội địa.

Cùng với đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, doanh nghiệp khó khăn liên tiếp, liên tục trong gần  3 năm qua. Bây giờ phải rất bình tĩnh để giải quyết một cách căn cơ các bài toán một cách tổng thể.  Không thể giải quyết theo kiểu chữa cháy, vì đám cháy này sẽ lan sang đám cháy khác.

Theo đại biểu, cần phải vừa có giải pháp cấp bách ngắn hạn, vừa có giải pháp dài hạn để cứu nền kinh tế và nhấn mạnh nhiều đến hai khó khăn chính là thị trường và vốn. Với doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, hiện tại khó khăn nhất là về thị trường. Thị trường nước ngoài đang rất bấp bênh khi kinh tế thế giới trên đà suy giảm. Do đó, theo đại biểu, nếu thị trường quốc tế khó khăn kéo dài thì phải tính đến thị trường trong nước.

"Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu dân, nhưng độ mở của nền kinh tế lên tới 200%, gấp đôi GDP, đây là một yếu tố “nguy hiểm” và “rủi ro”. Độ mở lớn thì chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài là rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu đạt tới 90% GDP nhưng giá trị gia tăng vẫn rất thấp, chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu và bán thành phẩm. Là một quốc gia nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng tỉ USD hàng nông sản. Những tháng vừa qua cho thấy sức mua ngày càng yếu. Người dân đã bị thiệt hại nhiều sau 2 năm dịch COVID-19", đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.

Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất, ngay lập tức có thể xây dựng một gói hỗ trợ an sinh xã hội nữa với nhiều mục đích khác nhau. Gói này giúp giảm khó khăn cho những người lao động bị cắt giảm việc làm, hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách… Hơn nữa, gói này sẽ giúp kích cầu, tăng tổng cầu cho nền kinh tế.  

“Quốc hội với mô hình hoạt động ngày càng năng động có thể sẵn sàng làm việc, có thể họp trực tuyến, họp bất thường để quyết những vấn đề cấp bách có thể cứu nền kinh tế”, đại biểu Ngân nói.  

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, cái khó của doanh nghiệp là việc tiếp cận vốn. Ngân hàng vẫn cho doanh nghiệp vay nhưng điều kiện cho vay tương đối khó khăn. Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khó xử về việc liệu có vay được vốn hay không. Hiện nay, dư nợ tín dụng rất thấp cho thấy khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế là có.  

Giải pháp được đại biểu đề xuất là khôi phục, củng cố và phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này được thành lập từ ngân sách, thu từ thuế mà các doanh nghiệp đóng khi hoạt động tốt. Việc này giống như dùng mô hình của quỹ để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.  

Theo THU TRANG (Báo Tin Tức)