Bà Trần Thị Thanh Hương tranh luận tại phiên chất vấn sáng 10/8
Trong buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an. Cụ thể, xoay quanh công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán video clip phản cảm, độc hại; phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.
Từ điểm cầu An Giang, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương phát biểu tranh luận đề nghị làm rõ tình trạng lợi dụng sim rác để lừa đảo có khả năng ngăn chặn được không; lộ trình như thế nào liên quan đến vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2018, số sim rác chưa đăng ký thông tin là 26 triệu. Tháng 6/2022, số lượng này đã được cắt bỏ khỏi hệ thống, bằng rất nhiều biện pháp kỹ thuật được áp dụng. Bộ đang chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông kết nối trên cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân gắn chip để rà soát lại chính xác thông tin của chủ thuê bao. Đây được xem là giải pháp căn cơ; các doanh nghiệp viễn thông đã kết nối, rà soát được 1,5 triệu thuê bao. Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trong tháng 9-2022, toàn bộ thuê bao điện thoại di động phải được rà soát chính xác lại, đảm bảo 100%. Sim rác giảm, thì tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi mạo danh, tống tiền sẽ giảm. Thông tin chủ thuê bao chính xác sẽ giúp cơ quan quản lý điều tra, xử lý đúng người.
Chiều cùng ngày, phiên chất vấn tiếp tục ở nhóm lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, xoay quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19; công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử…
GIA KHÁNH