Đảm bảo “ăn chắc” vụ hè thu

03/04/2023 - 02:52

 - Thắng lợi từ vụ đông xuân 2022 - 2023 đã làm nông dân trong tỉnh An Giang bước vào vụ hè thu với tâm trạng phấn khởi. Cùng với thời tiết thuận lợi, giá vật tư nông nghiệp giảm… nông dân hy vọng sẽ có một vụ mùa bội thu.

Nông dân tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sâu hại ở vụ hè thu

Niềm vui vụ trước

Ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Chợ Mới, bà con nông dân đang tất bật xuống giống vụ lúa hè thu. Do vụ này thường gặp nhiều bất lợi, nên nông dân phải làm đất kỹ, lựa chọn giống chất lượng, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật… để đạt năng suất cao nhất.

Vừa xuống giống xong 10 công đất (tầm cắt), bà Lê Thị Thúy Kiều (xã An Thạnh Trung) cho biết, nhờ thời tiết, khí hậu thuận lợi, nên vụ đông xuân vừa rồi, lúa đạt năng suất cao, hơn 1 tấn/công. Phấn khởi hơn, lúa được thương lái mua với giá 6.100 đồng/kg (giống IR 50404).

Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, gia đình bà Kiều lời khoảng 4 triệu đồng/công. “Sau khi bán lúa xong, gia đình tôi chuẩn bị xuống giống vụ tiếp theo. Vụ này, tôi lựa chọn giống lúa OM 5451 để canh tác. Giống lúa này có nhiều ưu điểm: Năng suất cao, phẩm chất đạt tiêu chuẩn, chống chịu khá đối với rầy nâu và đạo ôn, đẻ nhánh mạnh… nên tôi khá yên tâm” - bà Kiều chia sẻ.

Do thời gian giữa vụ đông xuân và hè thu ngắn, nên cứ thu hoạch xong là nông dân tất bật thu gom rơm rạ, cắt cỏ, dọn bờ, vệ sinh mặt ruộng, xử lý đất… để nhanh chóng xuống giống.

Ông Nguyễn Tấn Thành (xã An Thạnh Trung) cho biết, gia đình ông vừa xuống giống dứt điểm 15 công đất. Giống lúa được ông Thành chọn là OM 5451. Đây cũng là giống lúa được nhiều nông dân lựa chọn canh tác. Ông Thành cho biết thêm, ông được chuyên gia khuyến cáo sử dụng các biện pháp “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”… để giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận…

Qua ghi nhận thực tế tại nhiều cánh đồng đã và đang xuống giống, nhờ những yếu tố tích cực về năng suất, giá bán và lợi nhuận có được từ vụ lúa đông xuân, đã tạo động lực cho nông dân gieo sạ vụ lúa hè thu.

Theo nhiều nông dân, vụ này thường tất bật, vất vả hơn. Bởi, vừa thu hoạch lúa xong lại triển khai làm đất để kịp xuống giống vụ mới. Đó là chưa kể, thời tiết diễn biến khá phức tạp; mưa, giông diễn ra thất thường; sâu hại, dịch bệnh ở mức độ cao hơn. Nếu không chuẩn bị tốt sẽ ảnh hưởng đến năng suất, thu nhập…

Xuống giống đúng thời vụ

Vụ hè thu 2023, huyện Chợ Mới xuống giống khoảng 7.539ha (trong đó cây màu 2.532ha). Căn cứ khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Chợ Mới đã ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ vụ hè thu, bắt đầu từ ngày 15/3-10/5.

Thời gian xuống giống trên cùng tiểu vùng không quá 7 ngày và không để nhiều trà lúa đan xen nhau. Thời gian xuống giống không kéo dài quá 2 tháng mỗi vụ, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, muỗi hành… Cơ cấu giống lúa gieo sạ, gồm: OM 9582, OM 5451, OM 7347, OM 18, OM 9577, Đài Thơm 8…

Để sản xuất vụ hè thu thắng lợi, UBND huyện Chợ Mới đề nghị ngành chức năng cùng địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu theo kế hoạch chung của huyện; kế hoạch phòng, chống hạn, thiếu nước tưới trong mùa khô; kế hoạch ứng phó xâm nhập mặn, trong điều kiện khô hạn đến sớm. Chủ động xây dựng kế hoạch nạo vét kênh, mương nội đồng. Thực hiện gia cố đê bao, cống, đập và các phương án tiêu thoát nước đề phòng mưa lớn bất thường, chống úng trong trường hợp mưa bão…

UBND huyện Chợ Mới yêu cầu các đơn vị tập trung khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống; tuân thủ gieo sạ tập trung, đồng loạt để né rầy và né hạn đầu vụ. Tổ chức tập huấn cho nông dân quản lý dịch hại tổng hợp; các biện pháp canh tác theo tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; tăng cường bổ sung vi lượng, giúp lúa cứng cây tăng khả năng chống chịu tự nhiên…

Ngoài ra, còn yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động và tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tránh để tình trạng tồn đọng lúa gạo khi thu hoạch. Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết; tuyên truyền việc tuân thủ xuống giống đúng khung lịch thời vụ của huyện.

UBND huyện Chợ Mới yêu cầu các phòng chức năng theo dõi, dự báo diễn biến tình hình dịch hại, để kịp thời thông báo và hướng dẫn nông dân triển khai biện pháp phòng trừ. Thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để kịp thời phát hiện các loại dịch hại giúp nông dân chủ động phòng trừ. Thực hiện các cuộc hội thảo khuyến nông về giống; tập huấn, hướng dẫn các mô hình kỹ thuật sản xuất hiệu quả; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… giúp nông dân “ăn chắc” vụ hè thu.

MINH ĐỨC