Kiểm tra liên ngành tại cơ sở sản xuất - kinh doanh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký Công văn 541/UBND-KGVX, yêu cầu Sở Y tế đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; nhất là tại điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...
Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm (ATTP), truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP, xử lý nghiêm vi phạm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương chủ trì truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc. Cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền biện pháp bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn; nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại chợ; thường xuyên đánh giá nguy cơ mất ATTP và ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
BS Lê Nhất Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: "Năm 2023, toàn tỉnh thành lập 475 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP, kiểm tra 12.840 cơ sở; có 12.361 cơ sở đạt (96,3%). Có 479 cơ sở vi phạm về nhãn hàng hóa; chất lượng sản phẩm; điều kiện ATTP... đã xử lý, phạt tiền 9 cơ sở với số tiền 43,5 triệu đồng. Thực hiện 328 test nhanh, đạt 100%.
Năm 2023, tỉnh An Giang có 1 vụ ngộ độc thực phẩm (xảy ra ngày 4/2, tại ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới). Bà N.A.T nấu chè đậu trắng, cung cấp miễn phí cho người dân, nhân dịp rằm tháng Giêng. Hậu quả, 88 người bị ngộ độc, 42 người nhập viện, 1 người tử vong. Nguyên nhân ngộ độc do vi sinh và độc tố của vi sinh".
Theo đánh giá của TSBS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh An Giang, thời gian qua, sở, ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý ATTP. Công tác truyền thông thực hiện đa dạng, nhiều hình thức thường xuyên, liên tục, giúp tổ chức, cá nhân nắm rõ và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong SXKD, chế biến thực phẩm. Công tác nắm thông tin kịp thời, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm chuyên ngành đi vào chiều sâu.
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh An Giang, nhân sự thực hiện công tác ATTP còn hạn chế, nhất là hoạt động kiểm tra, giám sát 100% cơ sở được cấp phép quản lý. Hầu hết cơ sở SXKD thực phẩm quy mô nhỏ lẻ, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân; công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm đa số thủ công, nên còn hạn chế trong bảo đảm ATTP. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ATTP. Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra chuyên ngành mỏng, việc quản lý ATTP đối với hộ SXKD nhỏ lẻ ở xã rất khó. Hoạt động bán hàng đa cấp không có địa điểm kinh doanh cố định, gây khó khăn cho việc giám sát, kiểm tra, đồng thời dễ phát sinh diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm ATTP còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới khó quản lý. Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai... Trong khi hiện nay, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn hết sức phức tạp, đặt ra nhiều thách thức. Thực trạng trên đặt ra các yêu cầu mới: Đề cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở trong đảm bảo an ninh, ATTP.
TS.BS Trần Quang Hiền nhấn mạnh: "Để tăng cường hơn công tác đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cấp ủy Đảng, chính quyền, người quản lý, SXKD, tiêu dùng thực phẩm, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của ngành, địa phương, đơn vị đối với công tác quản lý Nhà nước về ATTP và sự giám sát của người tiêu dùng. Đây là nhiệm vụ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm, tăng cường vào dịp cao điểm, sự kiện".
Đồng thời, cần sự tham gia, phối hợp liên ngành, sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Toàn tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATTP; tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là tại lễ hội. Việc thanh, kiểm tra, hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm; kiểm soát ATTP tại cơ sở SXKD thực phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu công nghiệp, trường học, lễ hội; cơ sở thực phẩm thuộc diện không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, thức ăn đường phố...
HẠNH CHÂU