Đảm bảo an sinh xã hội mùa dịch bệnh

28/04/2020 - 04:57

 - Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn và gần 100.000 người lao động (NLĐ) bị mất việc. Cùng với chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người bán vé số, lang thang… thì các chủ hộ sản xuất - kinh doanh, DN nhỏ và vừa, người thất nghiệp cũng là những đối tượng được quan tâm để cùng vượt qua khó khăn mùa dịch bệnh.

Quan tâm các đối tượng yếu thế

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Châu Văn Ly cho biết, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn An Giang được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Nhiều đối tượng khó khăn đã sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ để ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới, Chính phủ và tỉnh triển khai các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt thì đời sống của nhiều người dân gặp khó khăn. Nhóm đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên là những người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào làm thuê, mướn theo mùa vụ, bán vé số, bán hàng rong...

Trong khi đó, DN, cơ sở kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê sơ bộ đến ngày 31-3-2020, có khoảng 3.000 DN và 10.000 lao động làm việc trong các DN bị ảnh hưởng. Trong khi đó, do các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, cà phê… tạm nghỉ nên một lượng lớn NLĐ không ký kết hợp đồng lao động. Số người mất việc ước tính khoảng 98.000 lao động.

UBND huyện Tri Tôn vận động Công ty Antraco trao quà cho người bán vé số bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

Trước tình hình này, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch điều hành an sinh xã hội với những kịch bản khác nhau theo diễn biến dịch bệnh Covid-19. Trước mắt, trong quý II-2020 (từ tháng 4 đến tháng 6), tỉnh tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020 của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân khó khăn do dịch bệnh Covid-19, gồm: NLĐ nghỉ việc không hưởng lương, bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc mất việc; người sử dụng lao động gặp khó khăn trong trả lương; hộ kinh doanh cá thể tạm ngừng kinh doanh; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (8.110 người); đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (82.916 đối tượng); người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31-12-2019 (162.507 người) và phát sinh đến hết 31-3-2020 (khoảng 126 người) theo chuẩn nghèo quốc gia. Lưu ý, các trường hợp đủ điều kiện hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng 1 chế độ cao nhất.

Ổn định lâu dài

Ông Ly cho biết, trong quý III-2020, An Giang sẽ tập trung hỗ trợ DN sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm và ổn định đời sống của NLĐ. Đồng thời, triển khai nguồn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để hỗ trợ NLĐ vay vốn tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Trường hợp vẫn còn ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, dẫn đến DN phải cho nghỉ việc từ 50% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 1-2020 thì NLĐ và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Trong thời gian này, tỉnh tập trung thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện chi trả kịp thời các chế độ chính sách cho đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hưu trí theo đúng quy định.

Tặng quà cho người nghèo, người bán vé số dạo ở huyện Thoại Sơn

 

Dự báo đến quý IV-2020, khả năng dịch bệnh Covid-19 sẽ bị đẩy lùi, không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Khi đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, thực hiện tư vấn, giới thiệu lao động theo yêu cầu của DN. Các ngành chức năng phối hợp nắm tình hình lao động trong các DN, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra đình công trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện được yêu cầu phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo kế hoạch đề ra. Trong đó, tăng cường các hoạt động trợ giúp nhằm sớm ổn định đời sống người nghèo, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo toàn diện và bền vững, duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% (còn dưới 1% nếu không tính số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội); đảm bảo cứu trợ kịp thời cho các đối tượng gặp thiên tai, tai nạn rủi ro đột xuất và đảm bảo trợ cấp thường xuyên kịp thời cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng theo quy định.

Từ nay đến cuối năm 2020, toàn tỉnh tập trung tuyển sinh đào tạo nghề cho 25.000 người, trong đó có 12.000 lao động nông thôn; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp lên 60%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 65%; giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động, trong đó có 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Nhằm ổn định đời sống người dân, các sở, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện đúng, đủ, kịp thời và công bằng các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ theo quy định; tổ chức triển khai thực hiện tốt đề án hỗ trợ nhà ở cho người nghèo giai đoạn 2 (theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg); thực hiện đầy đủ các chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Cùng với đó, phấn đấu duy trì 100% xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục phát hiện được hỗ trợ, quản lý cas kịp thời; 86% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi tái hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển…

NGÔ CHUẨN