Nhận thông báo lịch tiêm vaccine COVID-19 mũi 4, anh Xuân Cường (quận Hai Bà Trưng) khá ngần ngại. Dịch COVID-19 đã ổn, bản thân anh cũng tiêm đủ ba mũi và từng mắc COVID-19 nên anh nghĩ việc tiêm mũi 4 là không cần thiết.
"Dịch được kiểm soát, mọi người gần như không còn quan tâm số ca mắc hàng ngày. Những lần trước đi tiêm về tôi đều bị phản vệ, sốt, mệt mỏi nhiều ngày, nên tôi không muốn tiêm mũi vacicne COVID-19 thêm", ông Hoàng Thanh (quận Đống Đa) nói.
Hà Nội đang triển khai tiêm vaccine mũi 4 cho người dân. (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội)
Suy nghĩ ngại tiêm mũi 4 cũng là tâm lý chung của nhiều người. Các trung tâm y tế phường đều ghi nhận số người đến tiêm mũi 4 giảm nhiều.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) cho hay, dù phường thông báo rộng rãi cho người dân qua các phương tiện như zalo tổ dân phố, loa truyền thanh, thậm chí tổ trưởng tới từng nhà dân để thông tin nhưng tỷ lệ vaccine COVID-19 tiêm mũi 4 rất ít.
"Chúng tôi tổ chức tiêm theo số vaccine được phân bổ, đợt nhiều nhất khoảng hơn 100 người đến. Nhiều ngày qua còn không có ai dù cán bộ y tế trực ở trạm 24/24h. Điều này gây khó khăn cho công tác bảo quản vaccine", bà Hoa nói.
Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông Trương Thuỳ Phong cũng chia sẻ, tỷ lệ tiêm mũi 4 giảm nhiều so với tiêm mũi 3, mũi 2. Khi có kế hoạch của thành phố, trung tâm đã rà soát các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu tiêm. Đợt tiêm tháng 6 khoảng hơn 6.000 mũi, tháng 7 khoảng hơn 7.000 mũi.
Lý giải việc số người tiêm mũi 4 giảm, ông Phong cho rằng người dân tiêm đủ 3 mũi hoặc từng mắc COVID-19 có tâm lý không tiêm vaccine. Việc này gây lãng phí, hết hạn vaccine bởi khi vaccine chuyển về cơ sở, hạn dùng chỉ khoảng 1 tháng.
Trong tình cảnh tương tự, lãnh đạo Trung tâm y tế quận Hoàng Mai nói "tỷ lệ tiêm vaccine mũi 4 rất thấp, không có nhiều".
Nên tiêm mũi 4 vaccine COVID-19
Liên quan vấn đề này, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, vaccine COVID-19 không có miễn dịch bền vững, hiệu quả bảo vệ lâu dài và dần mất khả năng bảo vệ. Vì thế người đã tiêm 3 mũi vaccine vẫn cần thiết tiêm mũi 4, đặc biệt là người nguy cơ mắc bệnh cao, dễ bị chuyển nặng.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, SARS-CoV-2 là virus liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể, mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Thậm chí, thời gian tới có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch khiến ca nhiễm xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, các tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ... dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Do đó, Bộ Y tế cho rằng việc tiêm vaccine mũi 4 là cần thiết.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng nêu rõ về sự cần thiết của việc tiêm mũi 4 vaccine COVID-19. Giống như nhiều loại vaccine khác, người tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng hạn sẽ được bảo vệ tốt nhất. Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng, Bộ Y tế chỉ đạo về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân.
UBND TP Hà Nội vừa lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine COVID-19, liều nhắc lại mũi 4. Thành phố đặt mục tiêu trên 95% đối tượng thuộc diện cần tiêm mũi nhắc lại lần 2 vaccine phòng COVID-19 sẽ được tiêm. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2022; triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn thành phố.
|
Theo MINH TUỆ (VTC News)