Đảng bộ An Phú chung sức xây dựng quê hương phát triển - Kỳ 1: An Phú 30 năm vươn mình phát triển

11/09/2022 - 10:15

 - Ngày đầu tái lập huyện (năm 1991), với bao bộn bề, khó khăn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thấp kém, lạc hậu, thiếu thốn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện An Phú xác định xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Kiểm soát biên giới để ngăn chặn dịch bệnh trong lúc COVID-19 bùng phát

Khánh thành công trình cầu giao thông

Kết nối giao thông tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

An Phú có địa thế, vị trí quan trọng về chính trị và kinh tế, án ngữ nơi đầu nguồn của sông Mêkong khi từ Campuchia chảy vào Việt Nam, nằm trên tuyến giao thông thủy nối các tỉnh miền Tây ven sông Hậu Việt Nam với thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Ngày đầu tái lập huyện (năm 1991), An Phú có 12 xã và 1 thị trấn, trong đó có 8 xã biên giới, với đường biên dài 42,5km. Giao thông chính ở đây chủ yếu bằng đường thủy. Ngoài tuyến đường huyết mạch là Tỉnh lộ 956 nối liền từ Cồn Tiên (xã Đa Phước) đến xã biên giới Khánh Bình với cảnh “nắng bụi, mưa bùn”; còn lại hầu hết đều là những con đường đất nhỏ hẹp, chỉ dùng được trong mùa nắng, còn mùa mưa đều bị tắc nghẽn.

Toàn huyện có 11.024ha đất sản xuất nông nghiệp, trong tổng diện tích đất tự nhiên 20.896ha. Hầu như toàn bộ diện tích trồng lúa của huyện chỉ sản xuất được 1 vụ/năm. Nhờ các biện pháp thủy lợi, thâm canh tăng vụ, diện tích sản xuất và sản lượng lương thực của huyện không ngừng tăng lên, từ 98.800 tấn (năm 1991) tăng lên 230.000 tấn (năm 2021) với nhiều loại giống năng suất, chất lượng cao; nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

An Phú xác định phát triển thương mại - dịch vụ là số 1, trọng tâm là dịch vụ biên mậu. Từ xác định đúng hướng, những năm qua, kết cấu hạ tầng các xã biên giới từng bước hoàn thiện, nhựa hóa giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa. Cùng với các cửa khẩu là tuyến biên giới dài hàng chục cây số và mạng lưới trung tâm thương mại, hệ thống chợ đã góp phần khai thác kinh tế biên mậu ngày một hiệu quả.

Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của huyện An Phú không ngừng tăng trưởng tốt. Cùng với việc tăng cường đầu tư mạng lưới chợ biên giới làm cho giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu liên tục tăng. Nếu như năm 2006 là 102 triệu USD, thì năm 2021 đạt 1,1 tỷ USD. Cùng với phát triển kinh tế cửa khẩu đã tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông, các công trình trọng điểm, trong đó xây dựng 2 thị trấn An Phú và Long Bình thành trung tâm đô thị sôi động, đặc biệt thị trấn Long Bình sẽ là cửa ngõ giao thương với Campuchia…

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết, dưới sự lãnh đạo, sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và sự đoàn kết của nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách; phát huy lợi thế, từng bước đưa An Phú phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Theo đó, chú trọng huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2021 tiếp tục tăng trưởng 570 tỷ đồng, đạt 95,31% so kế hoạch, tăng 4,96% so cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ, dịch vụ 4.800 tỷ đồng; giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu qua biên giới tại các cửa khẩu đạt 1,1 tỷ USD. Lĩnh vực văn hóa – xã hội luôn được chú trọng thực hiện, nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết việc làm cho 6.311 lao động đạt 150% kế hoạch (năm 2021)...

Các lĩnh vực văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, thường xuyên được quan tâm, các trường học được xây dựng khang trang, đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh các cấp. Công tác giáo dục phát triển toàn diện cả về mạng lưới trường học và chất lượng đào tạo.

Hoạt động văn hóa - xã hội, thể dục - thể thao phát triển đa dạng, các di tích lịch sử được chú trọng bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị giáo dục truyền thống. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; các chính sách xã hội, an sinh phúc lợi  quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, từng bước phát triển. Đội ngũ cán bộ được đào tạo, trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn. Hầu hết cán bộ, đảng viên trong huyện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đó ra sức chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhất là, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tác động tích cực đến việc tu dưỡng đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và cơ quan đơn vị; coi đây là việc làm thường xuyên, trách nhiệm cụ thể của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tính tự giác trong việc tu dưỡng đạo đức, rèn luyện ý thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng được nâng lên.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, (khóa XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện; xuất hiện nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội. Năm 2022, hệ thống chính trị huyện đã quán triệt các nội dung chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” và chuyên đề năm 2022 “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, là minh chứng sinh động cho việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa sâu rộng. Công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện ở các ngành, địa phương được tăng cường. Hầu hết các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm của bản thân, gương mẫu thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, xác định rõ thẩm quyền trong lãnh đạo, điều hành.

Gắn việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực từ phát triển kinh tế đến đảm bảo an sinh xã hội. Điển hình, như: Mô hình “Nắm gạo tình thương” (ở 14 xã, thị trấn); mô hình “Đội từ thiện sửa chữa cầu đường” (xã Vĩnh Trường); mô hình “Xe chuyển bệnh miễn phí cho người nghèo” (ở 14 xã, thị trấn).

Đồng thời, có nhiều tấm gương tiêu biểu của người dân với những việc làm cao quý mà bình dị, xung phong đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng, xã hội từ thiện. Điển hình như ông Nguyễn Tấn Thành (xã Quốc Thái) thực hiện tốt việc đóng góp tiền, ngày công lao động và hiến 3.500m2 đất tại ấp Búng Bình Thiên (xã Quốc Thái) để làm đường ra cánh đồng, góp phần cùng địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới...

Nhất là năm 2021, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, y-bác sĩ, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tham gia tuyến đầu, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền khống chế, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn sức khỏe nhân dân. Có rất nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên xung phong làm nhiệm vụ trực tại các tổ, chốt tuyến biên giới và cùng với cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân tham gia đóng góp gần 40 tỷ đồng, giúp hàng ngàn lượt hộ nghèo, hộ khó khăn với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”...

Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện An Phú Ngô Công Thức cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy quán triệt thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, kết luận Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch; thích ứng, linh hoạt, an toàn trong điều kiện "bình thường mới". Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ địa bàn, đặc biệt là các xã, thị trấn biên giới. Quan tâm thực hiện kịp thời công tác an sinh xã hội cho nhân dân; đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn huyện.

Kỳ 2: Quyết tâm vượt khó.

HỮU HUYNH