Đảng bộ An Phú chung sức xây dựng quê hương phát triển - Kỳ 4: An Phú thi đua chào mừng 190 năm thành lập tỉnh An Giang

14/09/2022 - 10:15

 - Năm 2022, tỉnh An Giang kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh với nhiều thành tựu đáng tự hào. Hòa chung niềm vui đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện An Phú ra sức thi đua lao động sản xuất đạt nhiều kết quả nổi bật.

Kiểm tra các công trình trọng điểm

Cầu Long Bình - Chrey Thom kết nối giao thương với Campuchia, tạo động lực để An Phú phát triển

An Phú trên đường phát triển

Đã qua rồi giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. “Nhớ lại lúc đó thiệt kinh khủng. Khắp nơi phong tỏa, ở đâu cũng thấy cảnh test nhanh, căng dây, xe cấp cứu thì hú còi liên tục. Nhờ Đảng và chính quyền chăm lo mà người dân ở khu phong tỏa chúng tôi được bảo toàn tính mạng, được hỗ trợ lương thực hàng ngày và được tiêm vaccin đầy đủ”- chị Lê Thị Hoa (ngụ thị trấn Long Bình) chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, với nhiều nỗ lực phấn đấu của huyện đã đạt nhiều kết quả nổi bật, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân không ngừng nâng lên, thu nhập bình quân đầu người qua từng năm đều tăng, năm 2021 đạt hơn 47 triệu đồng/người.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tổ chức lại sản xuất theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu, liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, gắn với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất cho doanh nghiệp và nông dân để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, nhất là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch 24-KH/HU của Huyện ủy; xây dựng thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của huyện. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã. Phối hợp triển khai các dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn (dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long - WB9).

Tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở 3 xã đạt chuẩn; phấn đấu đến năm 2025, xây dựng thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; các xã còn lại đạt từ 15-18 tiêu chí.

Dự án WB9 tại 3 xã bờ Đông sông Hậu với mục tiêu kiểm soát lũ tháng 8, đến nay đã xây dựng xong các mô hình sinh kế cho 3 xã (Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc và Phú Hữu); sau khi hoàn thành dự án góp phần ổn định kết cấu hạ tầng, giúp nông dân phát triển các mô hình sinh kế, tăng thêm thu nhập, sản xuất thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Triển khai thực hiện đạt hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, phù hợp với thị trường, nâng cao sức cạnh tranh. Chú trọng thu hút đầu tư, tranh thủ các nguồn lực phát triển công nghiệp chế biến, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ trên địa bàn.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở phát triển sản xuất. Quan tâm việc đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn.

Tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế kinh tế biên giới, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, chú trọng đến việc nghiên cứu và dự báo thị trường, đặc biệt là thị trường Campuchia để đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ qua các cửa khẩu trên địa bàn huyện. Đồng thời, phát huy lợi thế là địa bàn tiếp giáp với thành phố Châu Đốc - một địa bàn có lợi thế trọng điểm về phát triển thương mại và dịch vụ. Những nỗ lực hiệu quả thiết thực góp phần lập thành tích chào mừng 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022).

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục và đào tạo có  bước phát triển về quy mô và số lượng. Đến nay, huyện có 11 trường đạt chuẩn quốc gia trong tổng số 64 trường học trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và còn giảng dạy cho hàng trăm học sinh Việt kiều Campchia.

Năm 2021-2022, từ nguồn vận động của Công ty Phát điện 2, Công ty TNHH MTV XSKT An Giang, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank, Công ty TNHH Liên doanh Antraco, Quỹ Thiện Tâm... cất và sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn (cất mới 97 căn, sửa chữa 7 căn), với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; công tác tuyển quân được thực hiện tốt. Huyện duy trì tốt mối quan hệ hữu nghị với 3 huyện giáp biên giới Campuchia; tổ chức các đoàn thăm và tặng quà nhân dịp lễ, Tết và khám bệnh, cấp phát thuốc cho bà con.

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển tích cực, nhiều thủ tục hành chính, quy trình giải quyết được đổi mới, rút ngắn thời gian xử lý, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được quan tâm thường xuyên, kịp thời nắm bắt và định hướng tư tưởng cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII), tạo sự lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị. Việc xây dựng nguồn nhân lực của Huyện được chú trọng; đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động cán bộ bảo đảm theo quy trình, phát huy tính hiệu quả.

Lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của Ban Thường vụ Huyện ủy; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm.

Công tác vận động quần chúng đạt nhiều kết quả, nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới theo hướng trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân. Huyện ủy An Phú đã lãnh chỉ đạo các chi, Đảng bộ triển khai các mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chuyên đề học tập hàng năm. Đây là cách làm có tính bền vững, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội.

Năm 2021, toàn huyện có 44 mô hình đã được triển khai thực hiện (33 mô hình về phát triển kinh tế, 7 mô hình về văn hóa - xã hội, 3 mô hình về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, 1 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị) với tổng kinh phí tổ chức triển khai 8,2 tỷ đồng (ngân sách đóng góp 3,9 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp). Cùng với thực hiện phong trào “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”, toàn huyện đã tham gia tốt công tác phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội, nhất là thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19…

Công tác dân vận chính quyền thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng “gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân”; chống tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà cho dân; góp phần xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh; cải tiến lề lối làm việc, khắc phục tình trạng hành chính hóa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo huyện An Phú, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy An Phú bám sát các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các chủ trương, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Trong đó, cần chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tận dụng thời cơ, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế; nhất là lợi thế kinh tế biên giới, tạo sức bật mới để phát triển.

Cùng với đó, tăng cường công tác xây dựng Đảng, dân vận chính quyền, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Phối hợp các sở, ban, ngành làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022) và Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh…

Đến nay, toàn huyện có 970 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 2.150 lao động. Tổng thu ngân sách địa phương 3.304 tỷ đồng (trong đó thu từ kinh tế trên địa bàn 418 tỷ), tổng chi ngân sách 3.209 tỷ đồng.

HỮU HUYNH