Đắng cay “miền đất hứa”

23/08/2022 - 07:01

 - Hôm chúng tôi đến Trung tâm Văn hóa và học tập cộng đồng xã Đa Phước (huyện An Phú, tỉnh An Giang), trên gương mặt 40 người còn rõ nét vui mừng vì về đến quê hương Việt Nam an toàn. Nhưng đằng sau họ, đã có người vĩnh viễn nằm lại “miền đất hứa”…

Cuộc tháo chạy kinh hoàng

P.T.M.T (22 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) bước từng bước khó nhọc, vì vết bầm đen ở lòng bàn chân và đầu gối bị trầy xước một mảng lớn. Những vết thương ấy là minh chứng nhắc nhở chị đã vượt qua cuộc tháo chạy kinh hoàng đến khó tin.

Chỉ vì muốn tìm “việc nhẹ lương cao”, chị chấp nhận sang làm việc tại một casino ở Vương quốc Campuchia. Nhưng “đời không như là mơ”, chị và nhiều người Việt Nam khác vỡ mộng vì bị bắt làm việc quá thời gian, không được nghỉ ngơi, không được trả lương và thường xuyên bị đánh đập.

“Chịu hết xiết, sáng 18/8, chờ sơ hở của bảo vệ, chúng tôi đồng loạt chạy ra cổng casino, bơi qua sông để trở về Việt Nam, nhìn hướng cờ Tổ quốc mà bơi trối chết” - chị T. nhớ lại. Nhưng có 2 người không may, vì bị bảo vệ casino bắt trở lại hoặc bị đuối nước khi bơi qua sông.

40 người (35 nam, 5 nữ) được giải cứu, khi Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 21 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình) phát hiện. Trong 40 người, chỉ 6 người có hộ chiếu, xuất cảnh qua các cửa khẩu. Số còn lại xuất cảnh trái phép thông qua khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp và An Giang. Trước khi rời Việt Nam, họ sinh sống ở mọi miền Tổ quốc.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình khẩn trương điều tra, làm rõ.

Chiều 19/8, tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã có buổi làm việc với đại diện Tổng cục Di trú và lãnh đạo tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia).

Được biết, ngoài nhóm người nói trên, vẫn còn 11 người Việt Nam không có giấy tờ hợp pháp đang làm việc tại casino này. Họ đã được đưa về cho cơ quan chức năng thuộc Tổng cục Di trú Campuchia quản lý, điều tra theo thẩm quyền.

Sau 2 ngày điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1980) và Lê Văn Danh (sinh năm 1988, cùng ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú) về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Trong số 40 người trốn khỏi casino, có 6 người do Lệ và Danh tổ chức xuất cảnh trái phép trước đó. Lệ khai nhận, khoảng tháng 5/2022, được một người đàn ông (không rõ lai lịch) móc nối tham gia đưa người “vượt biên” từ Việt Nam qua Campuchia.

Thấy công việc “ngon ăn”, Lệ rủ Danh tham gia. Cụ thể, Danh có nhiệm vụ đón người, chở đến bến sông Bình Di (phía bên bờ Việt Nam) để giao cho Lệ đưa qua Campuchia. Cứ mỗi khách trót lọt qua Campuchia, cả 2 được trả công 100.000 đồng. Rất nhiều “phi vụ” thành công bằng cách thức này.

Chung tay triệt phá đường dây

BĐBP tỉnh phối hợp Công an tỉnh và các đơn vị chức năng thành lập 2 tổ công tác xử lý tội “Mua bán người” và “Đưa người trái phép sang biên giới”. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định được 2 nhóm mua bán người và đưa người qua biên giới. Một nhóm ở tỉnh Gia Lai, nhóm còn lại ở các tỉnh khác nhau cấu kết với đối tượng ở An Giang. Nguyễn Thị Lệ và Lê Văn Danh nằm trong nhóm thứ hai.

Đại tá Trần Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết, sau khi hoàn chỉnh hồ sơ vi phạm hành chính, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng và địa phương lo chỗ ăn, nghỉ cho nhóm người nói trên. Đến chiều 21/8, tinh thần, sức khỏe của họ đã ổn định. Hiện, đơn vị đang phối hợp làm các thủ tục cần thiết để đưa họ về địa phương.

“Để phòng ngừa những diễn biến phức tạp có thể xảy ra, chúng tôi chỉ đạo cho các đồn, đơn vị biên phòng trong tỉnh tăng cường tuần tra, mật phục trên biên giới, trong địa bàn, triển khai biện pháp nghiệp vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” - đại tá Trần Quốc Khánh thông tin thêm.

Tuy nhiên, câu chuyện này không dừng lại ở đó, mà là hồi chuông khẩn thiết buộc Việt Nam và Campuchia phải nỗ lực hơn nữa trong công tác phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên biên giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, trước tình trạng nhiều người Việt Nam bị lừa đảo, môi giới đi lao động bất hợp pháp tại Campuchia, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong nước (đặc biệt là địa phương giáp biên giới với Campuchia) và cơ quan chức năng Campuchia tiếp nhận thông tin, xác minh, triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân, kịp thời hỗ trợ công dân gặp khó khăn, hoạn nạn.

Qua đó, đã cứu thoát, đưa hơn 500 công dân về nước an toàn, hỗ trợ thủ tục cho hàng nghìn công dân khác. Qua sự việc lần này, Bộ Ngoại giao đề nghị các cơ quan liên quan và báo chí trong nước tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo nâng cao nhận thức của người dân về việc đi lao động ở nước ngoài.

Cùng thời điểm trên, Bộ trưởng Nội vụ kiêm Phó Thủ tướng Campuchia Sar Kheng cho biết, đang rà soát trên quy mô toàn quốc đối với tất cả người nước ngoài đang sinh sống tại Campuchia, ngoại trừ các nhân viên đại sứ quán. Trong đó, chú trọng tìm kiếm người nước ngoài là nạn nhân của kẻ buôn người. Cảnh sát tỉnh Kandal và Sihanoukville kiểm tra tình trạng người nước ngoài cư trú hoặc làm việc tại khách sạn, bất động sản cho thuê và sòng bạc.

Qua nắm tình hình, các nạn nhân được tìm thấy khai nhận, họ bị thu hút bởi những công việc được mô tả là “hợp pháp”, với thù lao hấp dẫn tại Campuchia. Tuy nhiên, sau khi đến Campuchia, họ bị ép làm các công việc bất hợp pháp, không đúng như những gì họ đồng ý, như thực hiện cuộc gọi lừa đảo yêu cầu “nộp tiền phạt” hoặc mời chào cơ hội đầu tư không có thật.

Bất kỳ công việc chân chính nào cũng cần bỏ sức lao động, “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, có đâu “việc nhẹ lương cao” ở xứ người, đặc biệt là nước ngoài, khi không cần trình độ học vấn, chuyên môn cao. Có chăng, là “bánh vẽ” của kẻ xấu, là ảo tưởng của một bộ phận người dân khi đi tìm “miền đất hứa” nơi xa xôi!

VẠN LỘC