77 năm qua, thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp nối truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta lãnh, chỉ đạo làm tốt chính sách đối với thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Chiến tranh lùi xa gần 50 năm, nhưng nỗi đau mất mát vẫn còn hiện hữu.
Để có được hòa bình, độc lập, tự do hôm nay, đã có hơn 1,2 triệu người con ưu tú của dân tộc ngã xuống, hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc và hàng vạn thương binh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Những mất mát đó không gì bù đắp được.
Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị lấy một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh, liệt sĩ”, ngày 27/7/1947 được chọn để Nhân dân ta có dịp bày tỏ tri ân đối với thương binh, liệt sĩ và những người có công với đất nước. Từ đó đến nay, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) đã trở thành ngày có ý nghĩa thiêng liêng của đất nước.
Hàng năm, không chỉ vào dịp 27/7, các cấp, ngành còn thường xuyên tổ chức các hoạt động tri ân, “Đền ơn, đáp nghĩa” tới 9,2 triệu người có công trên khắp cả nước, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 500.000 thân nhân liệt sĩ, trên 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, như: Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng và tôn tạo hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ…
An Giang luôn quan tâm công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo người có công, gia đình chính sách
20 năm qua, với 15 lần điều chỉnh, mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn được quan tâm, điều chỉnh cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong năm 2024 là 35.629 tỷ đồng, tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng…
Tại An Giang, mặc dù điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân có nhiều cố gắng trong việc chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Qua đó, góp phần tích cực trong việc đền đáp công lao, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh, gia đình có công với đất nước.
Năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên toàn tỉnh, vận động trên 6 tỷ đồng; phối hợp UBND cấp huyện và các đơn vị hỗ trợ cất mới 47 nhà Tình nghĩa cho người có công (kinh phí gần 2,83 tỷ đồng). Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 2750/QĐ-UBND về hỗ trợ xóa nghèo, giảm nghèo đối với hộ có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025. Năm 2023, đã giảm 81 hộ nghèo, giảm 127 hộ cận nghèo.
Toàn tỉnh An Giang hiện có trên 40.000 người có công đang được đơn vị quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi. Trong đó, chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng khoảng 6.000 người, chi trả hàng năm khoảng 10.000 người, với kinh phí trên 200 tỷ đồng; còn lại được hưởng các chế độ liên quan theo quy định...
Để tri ân người có công, HĐND tỉnh An Giang đã ban hành Nghị quyết 27/2023-NQ-HĐND quy định mức chi thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình người có công nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Tết Nguyên đán. Theo đó, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tỉnh thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước đối với 12.459 người có công (tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng); quà của tỉnh đối với 31.170 người có công (số tiền 31,21 tỷ đồng).
Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên, trao quà tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang. UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh quan tâm thực hiện tốt công tác tổ chức kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực tri ân sự hy sinh của các thế hệ anh hùng, liệt sĩ, thương, bệnh binh; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam đối với người có công…
Sự hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do dân tộc của các Anh hùng liệt sĩ, những thương, bệnh binh, người có công với cách mạng sẽ mãi là những tượng đài lịch sử bất tử trong mỗi người dân Việt Nam. Chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là đạo lý, là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.
Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá, xuyên tạc bản chất, ý nghĩa của sự chăm lo đó, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, gây tổn thương các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công. Những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước, đi ngược lại truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta.
Vì vậy, cùng với kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, chúng ta phải thường xuyên kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện chính sách ở các cấp, không để tiêu cực xảy ra; làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công… Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc để thế hệ trẻ thấm nhuần và trân quý những đóng góp hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng; kiên quyết chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
H.N