Vượt nắng, thắng mưa
Biên giới An Giang có địa hình đồng bằng với hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, cùng những tuyến đường mòn rất thuận lợi cho việc qua lại 2 bên biên giới cả mùa khô và mùa nước nổi. An Giang là nơi hội đủ “3 sông, 7 núi”, có đường biên giới dài gần 100km, trải dài qua 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới, tiếp giáp với tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Đặc điểm địa hình biên giới này ở khu vực này thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa, qua lại biên giới của cư dân sinh sống sát biên giới, lẫn hoạt động của các đối tượng tội phạm. Cũng chính những đặc điểm về địa hình này gây nhiều khó khăn cho công tác chốt chặn, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, nhất là công tác phòng, chống các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới; quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của lực lượng BĐBP.
“Từ thực tế trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang thường xuyên lãnh đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang về tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống dịch COVID-19. BĐBP chủ trì phối hợp với các lực lượng, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường nhân lực, phương tiện thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, chống xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ” - đại tá Phạm Văn Phong, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP An Giang cho biết.
Sau mùa hè đổ lửa, biên giới An Giang bắt đầu những cơn mưa bất chợt, kèm theo giông lốc, sấm sét, gây khó khăn cho việc sinh hoạt cũng như thực hiện nhiệm vụ của CBCS Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19. Thế nhưng, họ vẫn vững vàng, tận tụy với công việc được giao, “bước chân anh nghiêng trời biên giới/ Bản làng tin yêu anh bộ đội/ Giữ yên từng giấc ngủ em thơ…” (thơ Hoàng Cẩm Thạch).
Thời khắc chuyển giao ngày và đêm, trong ánh chiều nhập nhoạng, CBCS quây quần dùng cơm. Bữa ăn chẳng bao giờ đông đủ, vì phải chia nhau luân phiên canh gác và sinh hoạt cá nhân, đảm bảo quản lý chặt biên giới. Họ khác nhau về tuổi tác, đơn vị công tác, quê quán… nhưng chung một nhiệm vụ thiêng liêng của người lính: giữ cho dân tộc khỏe mạnh, đất nước bình an.
Có mặt ở các tổ chốt thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú) ban đêm, chúng tôi chỉ tác nghiệp ít giờ, mà chịu không cảnh muỗi đeo bám, đốt đỏ người. Thời tiết thì nóng bức đến mức mồ hôi liên tục chảy dài, ướt đẫm sau lớp trang phục. Trong khi đó, CBCS phải trực chiến ở đây hết ngày này qua tháng nọ. Họ chống lại thời tiết bằng sức gió ít ỏi của những cây quạt điện nhỏ, bằng những khoanh nhang muỗi nhỏ bé giữa không gian rộng.
Càng về khuya, trời càng tối đen, che phủ tất cả đường mòn nơi biên giới. Trước mặt những người lính là màn đêm sâu thẳm, xòe tay không thấy rõ ngón. Nương theo vài ánh đèn xa xa của nhà dân, của đèn pin cầm tay, của trang thiết bị chuyên dụng, họ thường xuyên quan sát động tĩnh, dấu hiệu bất thường để kịp thời xử trí tình huống. Phía bên kia, đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, tội phạm cũng “canh” lực lượng chức năng, lộ diện vào khung giờ thật khuya hoặc rạng sáng. Vì vậy, CBCS không thể lơ là nhiệm vụ, chủ quan sơ hở trong phút giây nào.
“Lũy thép xanh” vì màu cờ Tổ quốc
Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm còn khó khăn hơn gấp bội, do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, khu vực, trong nước diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Đồng thời các loại tội phạm khác cũng liều lĩnh hơn, tinh vi hơn, sẵn sàng chống đối lại lực lượng thi hành công vụ. Các đối tượng sử dụng xe ôtô, xe máy, xuồng cao tốc hoặc mang vác, vận chuyển trái phép qua biên giới; thời gian vận chuyển thường vào ban đêm. Trước khi vận chuyển, chúng sử dụng người canh đường, theo dõi lực lượng chức năng. Khi bị truy đuổi thì vứt bỏ lại phương tiện, tang vật chạy trốn, sau đó kích động người dân đến hiện trường chống người thi hành công vụ, kích động gây áp lực để tẩu tán hàng hóa. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường thuê người, phương tiện để vận chuyển hàng hóa, gây khó khăn trong công tác điều tra. Nhiều thủ đoạn mới, như: giấu thuốc lá trong bao cỏ, các lùm cây; thả trôi đường cát theo dòng nước… gây rất nhiều khó khăn rất cho các chiến sĩ BĐBP.
BĐBP tỉnh An Giang vận dụng linh hoạt, sắc bén các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, chủ động đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, góp phần giữ gìn ổn định chung của địa phương. Đơn vị xác lập và đấu tranh hiệu quả các chuyên án, kế hoạch đấu tranh với các loại tội phạm. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đơn vị độc lập bắt 8 vụ, liên quan 5 đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy (tang vật gồm 7,0614kg Heroin; 2,954gr ma túy đá; 51,14kg cần sa); phối hợp bắt 4 vụ, liên quan 7 đối tượng (tang vật 6,0788gr ma túy đá; 10,5kg cần sa).
Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đơn vị độc lập bắt, xử lý 153 vụ, liên quan 33 đối tượng (tang vật là vàng, thuốc lá ngoại, đường cát, rượu, bia, mỹ phẩm, gạo, cá sấu giống…), tổng trị giá hàng hóa khoảng 10,1 tỷ đồng; phối hợp bắt 147 vụ, liên quan 41 đối tượng, tổng trị giá hàng hóa gần 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh phối hợp bắt giữ nhiều đối tượng trộm cắp tài sản, đánh bạc, vi phạm quy chế biên giới, vi phạm pháp luật.
Điển hình, ngày 7-5-2021, thực hiện Chuyên án AG421, nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang lệnh cho Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên tổ chức mật phục, đón lỏng để bắt quả tang đối tượng ngay khi vừa qua biên giới. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, lực lượng phát hiện 1 người phụ nữ điều khiển xe môtô biển kiểm soát 67F1-189.18 đi từ hướng mốc quốc giới 275 về Việt Nam, đeo túi da màu nâu đen, đúng với nhận dạng theo tin báo của cơ sở. Lực lượng mật phục phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên nhanh chóng tiếp cận đối tượng, kiểm tra người, phương tiện, hành lý. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện bên trong túi da có 5 miếng kim loại màu vàng (sau khi kiểm định là vàng 9999), trọng lượng 5kg, hơn 1 triệu tiền Riel (tiền Campuchia), 4 triệu đồng tiền Việt Nam... Tổng trị giá tang vật khoảng 7 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 1.130 vụ, liên quan 2.276 đối tượng về các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép và vi phạm quy chế biên giới. Điển hình như vụ việc ngày 26-4-2021. Từ tin báo của quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước (tỉnh Đồng Tháp) ngăn chặn kịp thời 1 hộ gia đình 8 người từ Campuchia di chuyển bằng thuyền máy trên sông Tiền, định nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong đêm khuya. Tổ công tác vận động, tuyên truyền để nhóm người trên quay về Campuchia tiếp tục làm ăn sinh sống.
Ngoài ra, nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép bằng cách bất chấp bơi sang sông Bình Di (huyện An Phú) lúc nhập nhoạng tối hay trời mưa. Sông Bình Di rộng khoảng 70-100m tùy theo đoạn. Giữa sông có lục bình dày đặc và nhiều lồng bè nuôi cá của người dân xã Khánh An, Khánh Bình và thị trấn Long Bình. Tháng 5-2021, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình liên tục bắt giữ 30 trường hợp nhập cảnh trái phép bằng cách nguy hiểm này.
Hầu hết là người Việt Nam đi làm thuê ở Campuchia, nay gặp khó khăn nên quay về. Những người nhập cảnh trái phép bơi sang sông Bình Di rồi tấp vào bè hoặc ẩn núp trong lục bình để qua mắt lực lượng chức năng đang chốt chặn ven biên giới. CBCS được quán triệt: khi phát hiện họ bơi sang sông Bình Di để nhập cảnh trái phép, lực lượng phải quay phim lại, giữ khoảng cách an toàn. Sau các vụ việc, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn, Đồn Biên phòng bóc gỡ, triệt phá các đường dây đưa, đón người xuất, nhập cảnh trái phép với các chế tài xử phạt nghiêm khắc nhất theo quy định của pháp luật.
Xây dựng thế trận “Biên phòng toàn dân”
Để chủ động đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh biên giới, hàng năm, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang tham mưu cho Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch về giải quyết các vụ việc phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại… trên địa bàn tỉnh. Đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác đấu tranh với các loại tội phạm; phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng thế trận “Biên phòng toàn dân” trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Quá trình triển khai thực hiện, BĐBP tỉnh đã vận dụng đa dạng hình thức, phương pháp tuyên truyền, như: đưa nội dung các văn bản pháp luật biên giới quốc gia vào chương trình bồi dưỡng, giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng; phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các tổ, đội công tác vận động quần chúng của các đồn biên phòng, bám cơ sở để tuyên truyền; duy trì chuyên trang, thời lượng phát sóng tin, bài về biên giới, chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới”; chiếu phim, phát tờ rơi, tờ bướm, pano, áp phích tuyên truyền; duy trì các cụm loa truyền thanh...
Qua hoạt động tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; huy động hệ thống chính trị và nhân dân trong quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phòng chống tội phạm khu vực biên giới được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai có hiệu quả.
Nhiều tháng nay, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, sử dụng mô hình “Tiếng loa biên phòng” tuyên truyền cho nhân dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế; cài đặt và sử dụng phần mềm Bluezone trên điện thoại; không xuất, nhập cảnh trái phép; không tham gia đưa đón, tiếp tay xuất, nhập cảnh trái phép; đấu tranh tố giác các đường dây đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép. Trong đó, chú ý cập nhật các vụ việc xét xử các đối tượng tổ chức đưa, đón người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, nhấn mạnh hậu quả của các vụ việc trên để cảnh tỉnh quần chúng nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, các đồn biên phòng tổ chức vận động hơn 50.000 hộ dân ký cam kết thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới.
Khó khăn vẫn luôn chồng chất lên vai những người lính quân hàm xanh. 2 năm trời “nếm mật nằm gai”, dựng nên thành lũy ở biên cương, họ không kể khổ, không nản chí, nản lòng.
Bởi họ hiểu, trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, từng CBCS, đảng viên BĐBP An Giang phải nêu cao tinh thần đoàn kết, cảnh giác, chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH - CHIẾN KHU
Thiết kế hình ảnh: TRUNG HIẾU