Đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

07/12/2023 - 09:05

 - Ngày 20/11/2023, Cục Thống kê An Giang triển khai khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2023. Mục tiêu khảo sát về cảm nhận, đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) cá thể, hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản về chất lượng điều hành kinh tế, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đầu tư, SXKD của các sở, ban, ngành và địa phương.

 An Giang đang thúc đẩy cải thiện chất lượng quản lý, điều hành kinh tế

Kết quả khảo sát để nhận diện, phát huy những điểm mạnh, khắc phục hạn chế trong công tác điều hành của các sở, ban, ngành và địa phương. Từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp thực tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong các năm tiếp theo.

Việc khảo sát DDCI 2023 được tiến hành trên toàn tỉnh. Đối tượng khảo sát là các DN, HTX, cơ sở SXKD cá thể, hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản có thực hiện TTHC với cơ quan quan lý nhà nước. Khảo sát theo hình thức chọn mẫu, toàn tỉnh thực hiện khảo sát 1.100 mẫu (gồm 550 mẫu cơ sở SXKD cá thể, hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản và 550 mẫu DN, HTX); sử dụng phương pháp định tính để đo lường cảm nhận, đánh giá của các cơ sở SXKD cá thể, hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, DN và HTX về chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và địa phương.

Thời gian khảo sát tiến hành từ ngày 20/11 - 20/12/2023. Các thông tin khảo sát liên quan đến cảm nhận của các đối tượng khảo sát giới hạn trong khoảng thời gian 1 năm gần nhất (tính từ ngày 30/10/2023 trở về trước). Điều tra viên trực tiếp đến đơn vị được chọn khảo sát trực tiếp phỏng vấn, thu thập thông tin ghi vào phiếu.

Nội dung khảo sát, gồm: Thông tin chung về DN, HTX, cơ sở SXKD cá thể, hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản; tổng quan về tình hình sản xuất, triển vọng kinh doanh; môi trường đầu tư, kinh doanh và các thông tin riêng của từng đối tượng. Đối với DN, HTX, khảo sát 8 nội dung đánh giá về chất lượng giải quyết các công việc, TTHC của các sở, ban, ngành, gồm: Quy trình thực hiện TTHC (cấp phép, đăng ký...); tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của sở, ban, ngành; hỗ trợ SXKD; hiệu lực thiết chế.

Đối với cơ sở SXKD cá thể, hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, khảo sát 9 nội dung, bao gồm 7 nội dung như sở, ban, ngành; riêng nội dung hiệu lực thiết chế bổ sung thông tin “an ninh trật tự” và có thêm nội dung thứ 9 là tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh.

Tỉnh An Giang đang thúc đẩy cải thiện chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Qua đó, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Từ đó, xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền cấp tỉnh và cấp địa phương, chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ.

Để triển khai hiệu quả, ngày 15/3/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 183/KH-UBND, triển khai khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh An Giang năm 2023 (DDCI). Căn cứ kết quả khảo sát để nhận diện, phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế trong công tác điều hành của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

Phương pháp xây dựng hệ thống chỉ số và tiêu chí đánh giá DDCI được lựa chọn tương tự các chỉ số thành phần của PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), trên cơ sở áp dụng linh hoạt và phù hợp tình hình thực tế tại An Giang. Việc điều tra, khảo sát, lấy ý kiến phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề đang được DN quan tâm khi liên hệ giải quyết TTHC; phản ánh khách quan tình hình hoạt động, cũng như những khó khăn, vướng mắc của DN.

UBND tỉnh yêu cầu, kết quả điều tra, khảo sát, lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá đầy đủ, khách quan, minh bạch để báo cáo lãnh đạo tỉnh. Đồng thời, là căn cứ để các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp thu ý kiến góp ý của DN. Từ đó, đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả; tiếp tục phát huy những mặt đã làm được và nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao chất lượng điều hành của từng đơn vị...

HẠNH CHÂU