Đánh thuế đặc biệt nước ngọt, tăng lực... chống béo phì toàn dân?

01/02/2018 - 08:34

Trong lần sửa các luật thuế tới đây, Bộ Tài chính đang muốn bổ sung mặt hàng nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều năm trước, Bộ Tài chính đã đưa ra ý định trên nhưng bị Quốc hội bác bỏ. Đề xuất lần này cũng đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

Tại sao đánh thuế nước ngọt

Bộ Tài chính đang muốn bổ sung mặt hàng nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính lập luận, việc bổ sung nước ngọt vào mặt hàng chịu thuế TTĐB vì đây là loại nước uống có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và nhiều nước đã quy định nước ngọt là mặt hàng chịu thuế TTĐB.

Đánh thuế đặc biệt nước ngọt, tăng lực... chống béo phì toàn dân?Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt còn nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh:KTĐT

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Công Thương Việt Nam, cho rằng: Ở Việt Nam mặt hàng này khi điều chỉnh hoặc đưa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải xem xét nó ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp. Bởi, nói cho cùng, các doanh nghiệp của ta là DN vừa và nhỏ, hầu hết hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, với nguồn nguyên liệu chủ yếu là trong nền kinh tế của chúng ta, xuất phát từ nông dân.

"Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt giúp tăng chút ít nguồn thu ngân sách, có tác dụng điều chỉnh tiêu dùng xã hội vì nó tác động đến sức khoẻ và xu hướng tiêu dùng, nhưng đồng thời phải tính là ở Việt Nam, những điều đó đã thật sự cần chưa?", ông Thanh nói

“Vấn đề thứ hai, đối tượng tiêu dùng các mặt hàng đó ở Việt Nam mang tính phổ biến rộng rãi, ví như nước ngọt chủ yếu người lao động có thu nhập không cao tiêu thụ. Chè, cà phê thì chúng ta có nguồn nguyên liệu lớn; vậy nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ tác động đến người sản xuất thế nào? Cần phải tính toán kỹ trước khi đưa ra quyết định", ông Đặng Văn Thanh chia sẻ.

Góp ý về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, Bộ KH-ĐT cũng nhận định, để có căn cứ thuyết phục đề nghị cần có nghiên cứu và đưa ra đánh giá cụ thể về tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng ở nước ta với sản lượng, mức tiêu thụ nước ngọt bình quân/người hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường,...

Theo UBND TP Hà Nội, ngoài nước ngọt, còn rất nhiều mặt hàng khác gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhưng không phải chịu thuế TTĐB, như mì ăn liền, các loại thực phẩm có nhiều chất gây hại, đồ ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ... chưa kể các yếu tố khác cũng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như chế độ ăn, lối sống, môi trường ô nhiễm...

Trong khi chưa có căn cứ cụ thể nước ngọt là nguyên nhân chính hay nguyên nhân lớn nhất để dẫn đến việc được lựa chọn để đánh thuế TTĐB, thì lý do "nước ngọt ảnh hưởng xấu tới sức khỏe" chưa thực sự thuyết phục và chưa công bằng, có thể tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Do đó, UBND TP. Hà Nội đề xuất không đưa nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Nếu bổ sung, cần có căn cứ thuyết phục hơn.

Cân nhắc tác động đâ chiều

Chung quan điểm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI - cho rằng: Dự thảo đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế TTĐB với thuế suất 10% nhằm mục tiêu chính là bảo vệ sức khỏe nhân dân do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì. Song, hiện chưa có đánh giá cụ thể hơn về việc liệu đánh thuế như vậy sẽ làm giảm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam là bao nhiêu. Đây là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế.

Ngoài ra, cũng cần tiên liệu một số tác động tiêu cực từ chính sách này.

Thứ nhất, mức thuế 10% có thể không ảnh hưởng nhiều đến các gia đình ở thành thị, nhưng sẽ là tác động đáng kể đối với khả năng chi tiêu của nhiều gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc đánh thuế không chỉ tước đi niềm vui của các em nhỏ nông thôn mà còn có thể làm chậm tiến trình xóa suy dinh dưỡng trẻ em.

Bên cạnh đó, theo VCCI, thuế nước ngọt còn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và người nông dân. Theo cách đánh thuế đề xuất của Bộ Tài chính, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, các doanh nghiệp mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể ảnh hưởng cả những doanh nghiệp, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa (mặc dù sản phẩm sữa không bị đánh thuế nhưng nếu đánh thuế cà phê sữa, trà sữa, sữa trái cây thì có).

VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam.

“Nếu sau khi nghiên cứu và kết luận rằng đánh thuế có tác dụng hiệu quả để hạn chế béo phì thì cũng chỉ nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định, tương tự như cách làm của Singapore. Phương pháp này vừa giúp tránh đánh thuế đối với một số sản phẩm có hàm lượng đường tự nhiên mà nhà sản xuất không thể tách ra được, vừa đúng với mục đích đánh thuế vì nếu hàm lượng đường thấp thì không thể là nguyên nhân gây béo phì”, VCCI góp ý.

Theo HOÀI NAM (Vietnamnet)