Đặt công tác dư luận xã hội đúng tầm

05/10/2022 - 07:11

 - Công tác dư luận xã hội (DLXH) được quan tâm, đưa vào Đề án 07-ĐA/TU, ngày 12/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác DLXH trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2020-2025”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này. Nhưng làm thế nào để “đổi mới”, “nâng chất”, lại là vấn đề cần tập trung thực hiện.

Dư luận phản ánh xã hội

Dư luận là hiện tượng tâm lý bắt nguồn từ một nhóm người về vấn đề nào đó, kèm theo phán đoán, bình luận và thái độ của họ, được truyền từ nhóm người này sang nhóm khác. Nếu dư luận này lan truyền, được lặp lại, liên quan đến lợi ích chung, thu hút sự quan tâm của nhiều người và nhóm người thì trở thành DLXH.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Hữu Thịnh, với sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Đề án 07-ĐA/TU nói chung, công tác nắm bắt, định hướng DLXH trên địa bàn tỉnh nói riêng tiếp tục được đổi mới. Cơ chế nắm bắt, phản ánh, phản hồi DLXH tiếp tục phát huy hiệu quả. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc nắm bắt, phản ánh, xử lý và phản hồi dư luận ngày càng nhịp nhàng, chặt chẽ hơn.

Nhiều địa phương đã quan tâm nghiên cứu đổi mới cách làm, với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Trong đó, TP. Long Xuyên tổ chức cuộc thi tìm hiểu tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại TP. Châu Đốc, hàng quý địa phương tổ chức khảo sát nhanh dư luận trên nền tảng zalo để thu thập ý kiến, đề xuất, kiến nghị của người dân liên quan đến công tác quản lý, điều hành, lãnh, chỉ, đạo của chính quyền thành phố. Huyện Thoại Sơn tiếp tục phát huy diễn đàn “lắng nghe dân nói”, tiếp xúc cử tri, dự sinh hoạt chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, họp giao ban…Nhờ khảo sát, tỉnh nắm được gần 66% người dân được hỏi cho biết đang lo lắng, quan tâm về giá cả hàng hóa thiết yếu, vật tư sản xuất tăng cao.

Dư luận xã hội được phản ánh từ ý kiến cử tri

Đội ngũ cộng tác viên DLXH các cấp ngày càng được kiện toàn, với hàng trăm đồng chí. Họ còn nằm trong tổ phản ứng nhanh cấp xã; được tận dụng, khai thác, kết hợp từ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đoàn viên, thanh niên, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân lao động... nâng lên hàng ngàn thành viên. DLXH được nắm bắt thông qua mạng xã hội, họp tổ dân phố, tiếp xúc cử tri. Các đơn vị báo chí duy trì đường dây nóng, hộp thư bạn đọc để tiếp nhận ý kiến, khiếu nại, tố cáo của người dân.

Trăn trở đổi mới

Điều băn khoăn hiện nay là quá trình nắm bắt, phản ánh DLXH của tỉnh đôi lúc chưa kịp thời, toàn diện trên các lĩnh vực và địa bàn cơ sở, chất lượng tham mưu chưa cao. Một vài địa phương, đơn vị chưa chủ động nắm bắt, phản ánh vấn đề bức xúc, nổi cộm; đề xuất, kiến nghị của người dân, cán bộ, đảng viên. Không ít vấn đề “nóng” phản ánh chưa kịp thời; nội dung phản ánh đôi lúc còn chung chung, chưa cụ thể, chưa sát với tình hình thực tế. Hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên DLXH một số nơi chưa toàn diện, chậm đổi mới phương pháp, kỹ năng nắm bắt, phản ánh DLXH…

Trong khi đó, theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, tỉnh đang tập trung tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh. Nhiều công trình, dự án đã và đang được triển khai, như: Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; chuẩn bị khởi công đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

Bên cạnh niềm vui và sự kỳ vọng, trong quá trình triển khai thực hiện, dự báo sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân. Cùng với đó là sự gia tăng chống phá, đặc biệt trên không gian mạng của các thế lực thù địch. Từ đó, đòi hỏi công tác nắm bắt, định hướng DLXH trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm chú trọng và phát huy hơn nữa.

Tại hội nghị giao ban công tác DLXH, công tác tham mưu Ban Chỉ đạo 35 quý III/2022 cuối tháng 9 vừa qua, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trần Thị Thanh Hương cho rằng, cần tiếp tục đặc biệt quan tâm Đề án 07-ĐA/TU.

“Đề án là điều kiện, là cơ hội để chúng ta khai thác. Từng đơn vị, địa phương quan tâm nội dung trong Đề án, trăn trở xem đổi mới vấn đề gì, từ đó nắm bắt và giải quyết DLXH tốt hơn trong thời gian tới. Chúng ta có lực lượng từ tỉnh đến cơ sở, những người làm công tác tuyên giáo, giảng viên, giáo viên, đài truyền thanh cơ sở… Nhưng chúng ta đã khai thác và sử dụng lực lượng này hiệu quả chưa, phải làm sao để nắm thông tin toàn diện hơn, kịp thời, sát tình hình thực tế? Làm sao vận động các lực lượng tham gia cùng hệ thống tuyên giáo, để thông tin chính thống, tích cực được lan tỏa rộng rãi nhất? Đó là điều cần quan tâm một cách nghiêm túc” - bà Trần Thị Thanh Hương gợi mở.

Theo định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ngoài tăng cường hoạt động khảo sát, cộng tác viên DLXH cùng phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông tin cụ thể DLXH đáng chú ý trong tuần, trong tháng; nghiên cứu, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả áp dụng vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động, thường xuyên tập huấn kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên; tiếp tục phát huy cơ chế phản hồi DLXH, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thiết thực; thông tin, chia sẻ rộng rãi kết quả phản hồi DLXH để nội bộ và các tầng lớp nhân dân biết, theo dõi, giám sát; tăng cường nắm bắt, phản ánh, phản hồi tình hình DLXH trên internet, nhất là trên mạng xã hội... Những giải pháp đồng bộ ấy kỳ vọng sẽ giúp công tác DLXH được đặt ở vị trí đúng tầm, mang lại hiệu quả như mong muốn.

GIA KHÁNH