Dấu ấn huyện An Phú

04/01/2023 - 07:05

 - Năm 2022 để lại nhiều dấu ấn đẹp trong bức tranh kinh tế - xã hội (KTXH) của huyện đầu nguồn, biên giới An Phú (tỉnh An Giang). Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cả hệ thống chính trị cùng nhân dân thực hiện đạt và vượt 21 chỉ tiêu, giữ vững quốc phòng - an ninh, tạo tiền đề vững chắc để huyện phát triển.

Người dân đầu nguồn phấn khởi khi lũ về cao hơn mọi năm, mang theo nhiều sản vật tự nhiên, giúp bà con tăng thu nhập từ khai thác sản vật, như: Cá, tôm, cua, ốc, rau thủy sinh… Khi nước lũ rút dần cũng là lúc cá ra sông, họ lại được mùa thu hoạch thủy sản bội thu, thêm chi phí trang trải cuộc sống. Nguồn cá tôm dồi dào, không chỉ bán ra chợ, bán cho thương lái đi các tỉnh, mà còn được dùng làm khô, ủ mắm.

Xây dựng hạ tầng, kết nối giao thông

Nước lũ về nhiều, dâng đầy cánh đồng còn bơm thêm phù sa, tăng độ phì nhiêu của đất. Đất màu mỡ giúp cho năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản tăng lên. Tổng diện tích gieo trồng cả năm 2022 của huyện An Phú là 35.249ha, trong đó lúa 30.670ha, màu 4.579ha; tổng sản lượng lương thực 226.927 tấn, đạt 104,3% kế hoạch; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 183,5 triệu đồng/ha/năm. Nhiều mô hình sinh kế mùa lũ mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, như: Trồng rau thủy sinh, nuôi cá kết hợp trồng lúa, nuôi tôm càng xanh...

Mùa lũ vừa qua, ông Võ Phú Yên (ngụ ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu) chuyển đổi 1,5ha đất trồng lúa sang trồng sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện cuộc sống. Ông Yên cho biết, sen rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, đặc biệt chi phí đầu tư thấp hơn trồng lúa rất nhiều. Bình quân 1.000m2 sen tốn chi phí đầu tư khoảng 2,5 triệu đồng. Nếu trồng mùa thuận, ít sâu bệnh, ít chịu tác động bất lợi của thời tiết thì chi phí thấp hơn. Toàn diện tích sen, ông thu hoạch mỗi đợt khoảng 500kg, giá bán dao động từ 11.000 - 20.000 đồng/kg sen tươi, lợi nhuận trên 3 triệu đồng.

 “Sen cho bông liên tục, cách 3 ngày thu hoạch 1 lần. Trung bình 1.000m2 sen cho năng suất khoảng 500kg bông/vụ, nếu chăm sóc tốt, năng suất cao hơn, khoảng 700kg. Với giá 20.000 đồng/kg, trung bình 1.000m2 sen cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng” - ông Yên chia sẻ.

Những ngày giáp Tết, dọc theo tuyến Quốc lộ 91C, từ xã Đa Phước lên Khánh An, Long Bình vào thời gian này, dễ dàng bắt gặp những ruộng hoa, luống hoa của nông dân đang xuống giống. Để chuẩn bị cho ngày Tết, cùng với sắm sửa, bà con ở quê còn tận dụng đất phù sa, tranh thủ tỉa hoa để vừa bán Tết, vừa trang hoàng nhà cửa.

Ông Võ Văn Mích (nông dân khóm Tân Thạnh, thị trấn Long Bình) cho biết, vụ này ông trồng hơn 2.500 chậu hoa vạn thọ. Để phục vụ thị trường, ông chia ra 3 giai đoạn canh tác, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết. Cụ thể, khoảng 200 chậu phục vụ vào dịp Thanh minh, 2.000 chậu phục vụ từ ngày 25-29 tháng Chạp và 300 chậu hoa phục vụ dịp rằm tháng Giêng…

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cùng với đó, người dân phấn khởi chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, vệ sinh môi trường, trang trí nhà cửa để đón Tết. Không khí mùa xuân mới đang về khắp nơi. Chia sẻ về kết quả đạt được trong năm 2022, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp nhấn mạnh: “Với tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chung tay trách nhiệm của toàn dân, huyện An Phú thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ, mục tiêu do nghị quyết Huyện ủy, HĐND huyện đề ra, tạo bước phát triển mới. Trong đó, lòng dân là yếu tố rất quan trọng tạo nên sự thắng lợi. Nhân dân thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao đối với sự phát triển của quê hương. Nhân dân tham gia nhiệt tình, tích cực trên nhiều lĩnh vực: Phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, tham gia giữ vững quốc phòng - an ninh”.

Điểm nhấn nổi bật của KTXH của huyện An Phú là hoàn thành tất cả tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới xã Phước Hưng, đang hoàn tất thủ tục đề xuất tỉnh công nhận. Huyện không còn “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đây là tín hiệu vui cho thấy sự ổn định, “bình an” để nhân dân, doanh nghiệp yên tâm lao động, sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế.

Cùng với đó, chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện An Phú được nâng lên rõ rệt.  100% học sinh đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thấy chất lượng giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực trong tương lai. Trong tỉnh An Giang chỉ còn huyện An Phú là địa phương chưa có đô thị loại IV. Vì vậy, huyện đã khẩn trương triển khai quy hoạch đô thị loại IV đối với thị trấn An Phú.

Năm 2023, UBND huyện phối hợp Sở Xây dựng báo cáo đề xuất UBND tỉnh, tiến hành thủ tục trình Bộ Xây dựng xem xét, công nhận thị trấn An Phú đạt đô thị loại IV. Trên cơ sở đó, có thêm điều kiện tập trung phát triển đô thị An Phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân trong toàn huyện” - Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp nhấn mạnh.

Với những kết quả đạt được, với tinh thần, nghị lực, ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, kỳ vọng năm 2023, huyện An Phú sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.

HỮU HUYNH