Dấu ấn Mekong Connect 2019

12/11/2019 - 08:37

 - Mekong Connect được xem là diễn đàn kinh tế lớn nhất khu vực ĐBSCL. Tại Diễn đàn Mekong Connect 2019, liên kết và hội nhập là 2 chủ đề xuyên suốt, cũng chính là những “từ khóa” được kỳ vọng giúp vùng đất “Chín Rồng” cất cánh.

“Đã chậm rồi đừng chậm nữa”

Giữ vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan kể lại câu chuyện từ quyển sách “Ngụy kế trong kinh tế” (tác giả Chu Thành Long) khiến nhiều người suy nghĩ về kinh tế ĐBSCL. Đó là câu chuyện kể về Lý Trạch Khải, con trai Lý Gia Thành (tỷ phú Hồng Kông được xem giàu nhất Châu Á). “Khi có người hỏi, tỷ phú Lý Gia Thành có truyền cho ông “bí quyết” kinh doanh gì không, Lý Trạch Khải nói rằng, cha ông không dạy ông kinh doanh mà dạy ông làm người. Cha ông nói, nếu trong hợp tác làm ăn mà con có thể nhận được 7 phần thì con nên nhận 6 phần thôi. Bù lại, sẽ có thêm 100 người thích hợp tác với con. Như vậy, lợi ích mà con nhận được tăng lên gấp trăm lần. Chính sự rộng rãi, hào phóng trong kinh doanh giúp Lý Gia Thành giàu có nhưng vẫn được nhiều người kính nể, mong muốn hợp tác” - ông Hoan kể lại.

Từ câu chuyện của Lý Trạch Khải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ABCD Mekong liên hệ đến ĐBSCL. “Có thể nói, người dân và doanh nghiệp (DN) ĐBSCL rất thông minh, siêng năng, sáng tạo, có thể sản xuất ra những sản phẩm đạt yêu cầu quốc tế. Tuy nhiên, tinh thần hợp tác giữa nội bộ nông dân với nông dân, giữa DN với DN, liên kết hợp tác giữa DN với nông dân là chưa cao, thiếu bền vững. Nguyên nhân là ai cũng chú trọng lợi ích tối đa cho mình, chưa thật sự chia sẻ lợi ích với đối tác” - ông Hoan phân tích.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, trong khi ĐBSCL vẫn êm đềm thì kinh tế thế giới đang như một cơn bão. “Khi 1 sản phẩm vừa tìm được thị trường thì đã có sản phẩm mới thay thế. ĐBSCL đã chậm rồi thì đừng chậm nữa. Nếu chúng ta không “nương theo cơn gió”, cơn bão để cất lên thì sẽ bị chúng quật ngã. Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “ĐBSCL phải tự vươn mình trước khi trời cứu”. Những ý kiến trao đổi, chia sẻ, gợi mở tại Diễn đàn Mekong Connect 2019 tuy chưa thể có kết quả giúp ĐBSCL phát triển liền nhưng là món quà trong hành trình đưa đất “Chín Rồng” vươn ra biển lớn” - ông Lê Minh Hoan gợi ý.

Thông điệp liên kết, hợp tác của Chủ nhiệm Câu lạc bộ ABCD Mekong cũng là chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất tại Diễn đàn Mekong Connect 2019. Đa số ý kiến cho rằng, ĐBSCL đang đứng trước nhiều vận hội lớn nhưng cũng đối mặt những thách thức không nhỏ. “Chúng ta phải tập trung khai thác ĐBSCL có trách nhiệm, bền vững, cùng bắt tay vượt qua thách thức. Không chỉ là hợp tác trong mạng lưới ABCD Mekong mà cần mở rộng hợp tác ra toàn vùng ĐBSCL, hợp tác với các bộ, ngành Trung ương cũng như các tổ chức quốc tế để giúp ĐBSCL phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ” - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam nhấn mạnh.

Cơ hội từ các FTA

Là người đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, bà Bùi Kim Thùy cho rằng, với các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL được hưởng lợi rất nhiều khi thuế quan được giảm, thị trường rộng mở. Tuy nhiên, DN phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các quy định của FTA để tận dụng lợi thế xuất khẩu. “Khi tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng hóa Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế từ 12,5% trở lên khi xuất khẩu vào các nước thành viên WTO. Tuy nhiên, với các FTA, mức thuế quan của các nước tham gia giảm chỉ còn từ 0-5%. Để hưởng mức thuế nhập khẩu này, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện theo từng FTA” - bà Thùy lưu ý.

Chuyên gia của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam cho biết, đến nay, Việt Nam đã tham gia vào 16 FTA, trong đó có 13 FTA đã ký kết và 3 FTA đang chuẩn bị ký. Từ các FTA quy mô lớn như: EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu), CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với 11 nước tham gia), RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực)… đến các FTA ký kết riêng lẻ với từng nước đều có giá trị và ý nghĩa khác nhau. “Để được hưởng mức ưu đãi thuế quan tối đa, các FTA thường quy định “xuất xứ thuần túy” từ quốc gia xuất khẩu. Tuy nhiên, khái niệm này cũng được hiểu khác nhau. Ví dụ như sản phẩm tôm của Việt Nam xuất vào Liên minh Châu Âu (EU), “xuất xứ thuần túy” tức là toàn bộ quy trình làm ra sản phẩm tôm từ tôm nguyên liệu, muối đến gia vị, chất bảo quản bắt buộc phải có nguồn gốc trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, với hạt điều, lại cho phép nhập khẩu nguyên liệu từ Châu Phi. Đối với CPTPP, “xuất xứ thuần túy” không bắt buộc 100% sản phẩm phải có xuất xứ trên lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ như sản phẩm cà phê, DN có thể sử dụng nguyên liệu cà phê từ vùng cao nguyên Việt Nam, mua đường từ Malaysia, mua sữa từ Úc, New Zealand (những nước thành viên CPTPP) thì vẫn được chấp nhận hưởng ưu đãi thuế quan khi bán trong khối CPTPP. Đối với các FTA mà Việt Nam ký với Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều mặt hàng nông sản không yêu cầu 100% nguyên liệu tạo ra sản phẩm phải xuất xứ từ Việt Nam” - bà Thùy phân tích.

Theo chuyên gia này, các FTA mở ra rất nhiều cơ hội cho nông sản ĐBSCL nhưng điều quan trọng là DN cần nắm rõ các quy định để “đặt hàng” nông dân, hợp tác xã sản xuất phù hợp cũng như ứng dụng công nghệ, thực hiện quy trình chế biến đáp ứng yêu cầu.

Nâng cao giá trị nông sản

Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2019 tại Cần Thơ, với vai trò là tỉnh nằm trong mạng lưới ABCD Mekong (một trong những mô hình liên kết vùng hiệu quả nhất hiện nay), tỉnh An Giang đã chủ trì tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ - kết nối chuỗi giá trị, giảm rủi ro cho nông sản”. Hội thảo có sự tham gia dẫn dắt của PGS.TS Nguyễn Phú Son (Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ) cùng các diễn giả: GS.TS Nguyễn Thị Lang (chuyên gia lĩnh vực lúa gạo), kỹ sư Nguyễn Thể Hà (Công ty TNHH Cơ khí công - nông nghiệp Bùi Văn Ngọ), bà Trần Thị Vân Loan (Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long), ông Riki Partima (Công ty tư vấn Deloitte Pacific, chuyên về chuyển giao công nghệ trong kinh doanh nông nghiệp).

Xuyên suốt chủ đề hội thảo là câu chuyện về liên kết sản xuất, làm sao ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản ĐBSCL. Đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL, GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết, qua thời gian nỗ lực nghiên cứu, lai tạo, ĐBSCL đã có được nhiều giống lúa quý, chất lượng, thích nghi tốt với nhiều vùng đất, kể cả những vùng xâm nhập mặn ven biển, vùng khô hạn như Bảy Núi - An Giang. Khi tổ chức sản xuất bài bản, gạo Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các loại gạo ngon và chất lượng cao trên thế giới. “Vấn đề phát sinh là khi sản xuất được 5 tấn lúa thì tạo ra 7 tấn rơm rạ. Tuy nhiên, chỉ có 10% lượng rơm rạ được tái sử dụng để làm thức ăn nuôi bò, trồng nấm rơm, phủ luống rau màu… Với 5 tấn lúa, khi xay xát thải ra 10-15% lượng trấu nhưng cũng chưa sử dụng được nhiều” - chuyên gia lúa gạo Nguyễn Thị Lang tính toán. Theo nhà khoa học này, bên cạnh đầu tư công nghệ, máy móc cho thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến lúa gạo để nâng cao chất lượng, giảm thất thoát sau thu hoạch thì cần hợp tác đầu tư, khai thác giá trị những phụ phẩm như: rơm rạ, trấu, cám. Đây là cách nâng cao giá trị ngành lúa, gạo cũng như thu nhập của nông dân.

Là một doanh nhân rất tâm huyết với con cá tra, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long Trần Thị Vân Loan cho rằng, cá tra vừa là món quà vừa là đặc ân của vùng ĐBSCL. “Cả thế giới chỉ có ĐBSCL là nuôi cá tra thuận lợi nhất. Cá dễ nuôi, dễ sống, năng suất cao lại có nhiều giá trị dinh dưỡng quý, được thế giới ưa chuộng” - bà Loan đánh giá. Tuy nhiên, điều nữ giám đốc này băn khoăn là giá bán cho đối tác nhập khẩu. “Tôi thấy rằng, người tiêu dùng thế giới sẵn sàng bỏ số tiền cao hơn để ăn cá tra, người ta không có nhu cầu mua cá giá rẻ nhưng DN Việt Nam mình tự phá giá nhau, tạo điều kiện cho DN nhập khẩu ép giá” - bà Loan nói thẳng.

Theo bà Loan, muốn phát triển bền vững ngành hàng cá tra, nhà nước cần siết chặt quản lý về điều kiện sản xuất, chế biến, xuất khẩu, quy định giá sàn xuất khẩu sao cho có lợi nhất. Đồng thời, phải quản lý tốt vùng nuôi, không để phát sinh tình trạng đào ao nuôi ồ ạt khi giá lên, dẫn đến dư thừa. “Điều quan trọng là phải xây dựng chuỗi liên kết giữa người nuôi với DN. Tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long, dù cơ bản chủ động được vùng nguyên liệu nhưng chúng tôi vẫn dành 30% sản lượng chế biến để liên kết thu mua với nông dân. Về thị trường không cần quá lo bởi thị trường cá tra được tiêu thụ rộng. Điển hình như khi đưa cá tra sang Dubai, sản phẩm của công ty tiếp cận thị trường Trung Đông rất tốt, giá bán cao mà không vướng nhiều rào cản kỹ thuật. Tôi nghĩ, tiềm năng thị trường cá tra là rất rộng mở” - bà Trần Thị Vân Loan khẳng định.

Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, Mekong Connect là diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất ĐBSCL được duy trì đều đặn cho đến nay. Diễn đàn Mekong Connect năm 2019 xây dựng cách nhìn, cách tiếp cận mới nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển ĐBSCL bền vững thích ứng biến đổi khí hậu và xu thế thị trường.

 

NGÔ CHUẨN