Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: MỸ HÀ
Dấu ấn đầu tiên trong năm qua là tinh thần, hành động quyết liệt của toàn Đảng trong đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Kiên trì, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các biểu hiện suy thoái, tiêu cực
Không chờ tới năm 2021 mà ngay sau đại hội đảng bộ các cấp thành công, các cấp ủy đảng đã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 16, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Lào Cai đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, xác định sẽ thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh tiêu cực, tránh để lọt vào bộ máy những cán bộ không đủ năng lực, đạo đức.
Quán triệt nhận thức mới về nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, năm 2020, tỉnh Hà Nam đồng loạt triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”. Nội dung chính là cán bộ thực hiện các cam kết tôn trọng, lắng nghe, giải quyết nhanh yêu cầu của nhân dân... Mới đây, tỉnh Bắc Giang cũng thực hiện thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện” với các tiêu chí: hoạt động của chính quyền bảo đảm công khai dân chủ, hướng tới chính quyền điện tử; bảo đảm cơ sở vật chất, môi trường công sở văn minh, thân thiện; xây dựng hoạt động của chính quyền theo hướng gần gũi, thân thiện. Các mô hình điểm cũng xây dựng hình ảnh người đứng đầu chính quyền gương mẫu, thân thiện và có trách nhiệm với nhân dân...
Việc triển khai các mô hình không những nâng cao hiệu lực hoạt động cơ quan chính quyền các cấp mà còn tạo chuyển biến tích cực trong đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các địa phương.
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Trung ương nhận định bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn nhiều khuyết điểm, hạn chế tồn tại. Đó là, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật... Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, thống nhất cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với tinh thần mới. Ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Kết luận số 21-KL/TW Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo đó, mục tiêu được xác định rộng hơn, đầy đủ hơn. Xây và chống không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời với ngăn chặn, đẩy lùi phải chủ động ngăn ngừa, kiên quyết xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Để biến chủ trương thành hành động, Trung ương đã bổ sung chức năng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Cái tiêu cực có nhiều nhưng ở đây chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nó là cái gốc, nó dẫn đến tham nhũng, nếu không suy thoái thì làm gì phải đi tham nhũng, nếu đạo đức tốt thì làm gì phải tham nhũng”. Mới đây, kỳ họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất đưa việc xử lý hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên liên quan các vụ án, vụ việc: buôn lậu, vụ án vận chuyển trái phép tiền tệ, hàng hóa qua biên giới; đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang; thi tuyển công chức tại tỉnh Phú Yên... vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Kết luận số 21-KL/TW cùng sự chỉ đạo nghiêm túc của Trung ương đã tạo ra luồng sung lực mạnh mẽ mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn tổ chức đảng. Nhiều cấp ủy, đơn vị, địa phương đã và đang quyết liệt xử lý nghiêm những hành vi suy thoái, tiêu cực trong tập thể, cá nhân. Tỉnh ủy Thái Bình quyết định khai trừ khỏi Đảng với Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Thái Bình, thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình vì có động cơ gian dối khi sử dụng bằng cấp chuyên môn trong quá trình công tác. Tỉnh ủy Hải Dương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và khiển trách đối với hai lãnh đạo xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách do thu tiền cấp thẻ qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 sai quy định. Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng vừa tiến hành thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ba lãnh đạo huyện Cô Tô liên quan Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện quan hệ không trong sáng với cấp dưới; đồng thời thống nhất báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô nhiệm kỳ 2020-2025.
Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm
Một nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội XIII của Đảng xác định, là xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, nhấn mạnh phẩm chất dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Dù thời gian chưa nhiều nhưng nhiều cấp ủy đã chủ động có các giải pháp phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp.
Tháng 5/2020, Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Quy định số 30-NQ/TU về giao việc đột phá, việc đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Hiện toàn tỉnh có 565 cán bộ được các tổ chức, cơ quan, đơn vị giao việc đột phá, đổi mới theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ. Tổng số việc đã được giao cho cán bộ là 731 việc; trong đó giao theo năm có 663 việc, theo giai đoạn 2021-2025 có 68 việc. Cách làm này đã phát huy tinh thần chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo, quản lý. Qua đó, nhiều việc phức tạp tồn tại nhiều năm được giải quyết dứt điểm như: chấm dứt hoạt động và tháo dỡ toàn bộ 98 lò sản xuất gạch thủ công trên địa bàn huyện Hàm Yên; giải phóng mặt bằng thi công các dự án ở huyện Na Hang, Yên Sơn; lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại II; xây dựng trung tâm huyện Lâm Bình đạt tiêu chí đô thị loại V và một số dự án, công trình trọng điểm khác...
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trước nhiều khó khăn, thách thức, nhiều cán bộ, cơ quan đã có cách làm táo bạo. Nữ Bí thư Quận ủy quận 6, TP Hồ Chí Minh Lê Thị Hơ Rin khi thấy tình hình dịch Covid-19 lan rộng, các ca tử vong trong thành phố tăng cao hằng ngày, uy hiếp đến tính mạng của người dân sinh sống trong quận mình, đồng chí không chần chừ chờ đợi các hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố mà đã chủ động cho phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà ngay lập tức. Cũng tại TP Hồ Chí Minh, trước sự quá tải của hệ thống điều trị trên địa bàn, lãnh đạo quận 7 đã chỉ đạo thiết lập phòng cấp cứu ngay trong các khu cách ly tập trung F0, phát huy hiệu quả rõ rệt trong cấp cứu tại chỗ những trường hợp F0 diễn biến nặng. Hay trước làn sóng ồ ạt người từ TP Hồ Chí Minh trở về quê, trong khi nhiều địa phương còn lúng túng thì lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã chủ động phối hợp TP Hồ Chí Minh tổ chức những chuyến xe đưa khoảng 16.000 người về quê. Theo nguyên Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, trong tình hình mới, điều kiện mới rất cần những tập thể, cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như nêu trên.
Tuy nhiên, trên thực tế không ít cán bộ còn tâm lý ngại đổi mới, an phận thủ thường, chỉ thực hiện “đúng vai, thuộc bài”. Lâu dần, quanh quẩn trong “vùng an toàn” cho nên có nơi, có lúc, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu thờ ơ với đổi mới, sáng tạo, thậm chí tỏ ra e ngại, né tránh. Nguyên nhân là khi chưa có căn cứ pháp lý, thực tiễn cụ thể, cấp ủy, tổ chức đảng vấp phải nhiều khó khăn. Để khơi dậy tinh thần sáng tạo, hướng tới đội ngũ lãnh đạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Kết luận của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là chủ trương “có ý nghĩa mở đường”. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một văn bản riêng về chủ đề nêu trên. Trong đó, tư tưởng nổi bật là khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách. Cách làm đột phá đó phải tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp thực tiễn; mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Mới đây tháng 11/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, việc Bộ Chính trị ban hành quy định mới về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là hệ thống những quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Theo đó, sẽ miễn nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng. Còn trong trường hợp để nghiêm trọng thì xem xét từ chức. Việc triển khai Quy định số 41-QĐ/TW sẽ giúp loại bỏ những cán bộ yếu kém hay còn tư tưởng “bình chân” để nhường chỗ cho lớp cán bộ “sáu dám”.
Ngay sau khi ban hành, các chủ trương mới từ hai văn bản đã được đông đảo các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, nhân dân nhiệt tình đón nhận. Cùng với Kết luận số 21-KL/TW thì Kết luận số 14-KL/TW cũng đang tạo nên phong trào đột phá, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Theo VĂN TOÁN (Nhân Dân)