Dấu ấn tín dụng chính sách trong an sinh xã hội

05/08/2022 - 06:55

 - Nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện hiệu quả các dự án, chương trình giảm nghèo, đã thật sự trở thành nguồn lực tiếp sức, góp hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và giảm nghèo bền vững.

Nguồn vốn từ chính sách cho vay tín dụng giúp người dân tăng thu nhập. Ảnh: MỸ HẠNH

Nguồn lực giảm nghèo

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) thành lập năm 2003, khởi đầu với 3 chương trình tín dụng, đến nay đã triển khai 12 chương trình. Đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho vay vốn thông qua 326 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. 20 năm qua, chính sách tín dụng ưu đãi đã hỗ trợ vốn cho trên 20.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; số khách hàng còn dư nợ là 14.580, tăng 12.143 khách hàng so với năm 2003.

Bà Nguyễn Ngọc Bửu Châu (Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Tân) khẳng định, nguồn vốn tín dụng CSXH gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đã giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD), tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Vốn tín dụng còn có vai trò tích cực trong việc duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống ở địa phương.

Điển hình tại xã Tân Trung, nguồn vốn này giúp 116 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận vốn đầu tư SXKD; tạo việc làm cho 235 lao động, 58 lượt học sinh và sinh viên được vay vốn học tập, cải tạo và xây mới 54 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, sửa chữa nhà cho hộ nghèo… Tổng dự nợ đến nay trên 7,6 tỷ đồng, thu lãi hàng năm đạt 100% kế hoạch, huy động tiền gửi tiết kiệm trên 786 triệu đồng.

Việc sử dụng vốn tín dụng chính sách “tiếp sức” cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Xương Phan Văn Tông cho biết, phát động trong hệ thống hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ký kết giao ước thi đua trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quản lý tốt các nguồn vốn vay trong việc thu lãi, thu tiền gửi.

Điểm nhấn trong thực hiện tín dụng chính sách là ưu tiên cho các hộ gia đình chuyển đổi kinh tế, thâm canh cây trồng, vật nuôi. Các hộ khi vay vốn thực hiện nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao hơn. Đơn cử như hộ anh Tống Anh Kiệt (ngụ ấp Trung 2, xã Tân Trung) vay vốn để mở rộng cơ sở rèn từ 25m2 lên 100m2. Từ thuê 1 lao động lên 5 lao động và nhờ cần cù siêng năng, ham học hỏi, đầu ra sản phẩm ổn định nên mỗi năm anh có thu nhập trên 120 triệu đồng.

Hỗ trợ kịp thời, hiệu quả

20 năm qua, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH TP. Long Xuyên phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang đã tổ chức 13 điểm giao dịch tại 13 xã, phường đang phát huy hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Tại điểm giao dịch xã, bên cạnh giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi thuận lợi, tiết giảm chi phí, còn quảng bá rộng rãi đến người dân các chính sách tín dụng, quy trình thủ tục, những thay đổi về lãi suất…

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH TP. Long Xuyên thực hiện hiệu quả mô hình quản lý vốn thông qua ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó, huy động nhiều nguồn lực cùng thực hiện tín dụng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, công khai dân chủ trong việc bình xét đối tượng vay.

Ngoài ra, thực hiện lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội với vốn tín dụng chính sách, hướng tới xã hội hóa hoạt động ngân hàng. Có gần 99% dư nợ vay của NHCSXH được ủy thác cho các tổ chức hội, đoàn thể. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chính là cầu nối giữa nhà nước và nhân dân, thông qua việc tổ chức thành lập và hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, giúp người nghèo và hộ chính sách có điều kiện thuận lợi tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi.

Đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang đã xây dựng được mạng lưới ở tất cả khóm, ấp trên địa bàn TP. Long Xuyên với 204 tổ tiết kiệm và vay vốn, 8.964 tổ viên, dư nợ bình quân hơn 1,2 tỷ đồng/tổ. Chất lượng hoạt động của các tổ được nâng lên với 186 tổ xếp loại khá, tốt; 18 tổ xếp loại trung bình.

“Qua 20 năm hoạt động và phát triển, Chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang (phụ trách TP. Long Xuyên) thực hiện cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, với tổng doanh số hơn 536,5 tỷ đồng, thu nợ đạt 331 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 279,2 tỷ đồng, tăng 253,3 tỷ đồng (gấp gần 10 lần so năm 2003). Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội được bảo đảm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2021 từ 2,14% xuống còn 0,03%” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Tại TP. Long Xuyên có 30.309 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư phát triển SXKD, thực hiện an sinh xã hội; 6.597 công trình vệ sinh tự hoại, nước sạch được đầu tư; 1.166 căn nhà được xây dựng, duy trì và mở rộng việc làm cho 11.861 lao động; 6.246 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; 285 lao động được vay vốn đi làm việc nước ngoài, 14 doanh nghiệp được vay để trả lương phục hồi sản xuất cho 4.528 lượt lao động…

MỸ HẠNH - TRUNG HIẾU