Đấy là mới nói đến những người có tiền thưởng “xông xênh”, cuối năm chuẩn bị một vài chục triệu trở lên để lo đổi những cọc tiền mới tinh liền serie từ ngân hàng. Cả năm mới có một lần, năm mới, mừng tuổi cho các cháu ruột cũng phải có tờ 500 nghìn mới xứng đáng chứ. Rồi tờ 200 nghìn cho các cháu họ hàng gần, tờ 100-50 nghìn cho các cháu con bạn bè, tờ 20-10 nghìn trở xuống để đi lễ chùa.
Bạn bè tôi còn có những người bày vẽ hơn, mừng tuổi người nhà, người thân là cứ phải đủ một bộ tiền mới cứng, từ tờ mệnh giá nhỏ nhất đến tờ mệnh giá lớn nhất. Thành ra chỉ riêng lo cho đủ từng ấy loại cũng đã là một kỳ công.
Ảnh minh họa
Đấy mới là loại tiền. Rồi còn phải cân đối số lượng cho đủ nữa. Ví như có người mừng cho con mình tờ 200 nghìn, mà số tiền 200-100 nghìn của mình hết rồi, để 4 tờ 50 nghìn không hay lắm. Hoặc đem theo có mấy tờ 50 nghìn, mà số cháu cần mừng tuổi lên tới cả chục, chả lẽ phải rút thêm mấy tờ 100 thì “lỗ vốn”. Thành ra kinh nghiệm là bên cạnh những phong bao đã có sẵn tiền, cũng phải chuẩn bị sẵn tiền mệnh giá tương đương kèm phong bao trống bên ngoài, hoặc tiền mệnh giá thấp hơn ở mức liền kề, để khi cần, dễ… ứng biến, ví dụ gộp 2 tờ 50 nghìn thành 100 nghìn ngay.
Thực tế trong gia đình cho thấy, những người thưởng Tết chỉ dăm trăm, vài triệu mới thật sự mệt mỏi, lấy tiền đâu ra mà đổi. Ấy là chưa kể hàng trăm nghìn người khác như các giáo viên, Tết chỉ được thêm có vài trăm nghìn đồng, bao người lao động tự do không có thưởng Tết, hay các cụ về hưu, cũng phải trích một phần thu nhập ra, nhờ người đổi tiền mới để còn mừng tuổi cho con cháu. Chứ chả lẽ Tết nhất các cháu đến chúc Tết không mừng tuổi hay sao, hoặc mừng 10-20 lại tự thấy “khó coi”.
Cũng có nhiều người tân tiến, quyết không mừng tuổi trẻ con nữa. Nhưng đó là người chưa có con thì còn dễ, chứ có con rồi, người ta cứ mừng tuổi con mình, chả lẽ lại bắt các cháu cũng kiên quyết không nhận. Hoặc nếu chỉ mừng tuổi vài tờ tiền bé “lấy may”, thì chuyện trẻ con bây giờ nhận bao lì xì xong mở ra xem, so sánh, bình luận, cũng không phải chuyện hiếm, nên mọi người cũng ngại.
Mà nguồn tiền mặt, nhất là tiền mới đâu có phải lúc nào cũng sẵn. Thế nên năm nào ngân hàng nhà nước cũng phải công bố đưa vào lưu thông thêm bao nhiêu tiền mới. Còn người dân, có khi từ mấy tháng cuối năm, lĩnh lương về, nhiều nhà đã phải lựa những đồng tiền trông còn mới nhất để dành riêng ra một chỗ cho nhu cầu mừng tuổi rồi.
Đặc biệt, gần Tết tất cả các mối quan hệ liên quan đến ngân hàng đều được lôi ra. Mà ở ta, cái gì cũng theo “quan hệ” hết. Các cô kế toán, hay giao dịch với ngân hàng sẽ dặn trước các cô giao dịch viên “để dành cho chị dăm chục tiền mới”. Mỗi cán bộ có chức vụ ở ngân hàng thì sẽ mỗi người phải lo đổi tiền cho hàng chục đầu mối quen biết. Còn ở các cấp lãnh đạo ngân hàng cao hơn, phải chuẩn bị cả mấy bao tải tiền lẻ để đổi theo yêu cầu của người quen, hay vì “quan hệ” cho đối tác.
Đấy mới là tiền mừng tuổi. Tiền “đi lễ”, tức các loại mệnh giá từ 1000-2000-5000 cho các cụ công đức tiền đèn dầu cho đền, chùa đầu năm mới khó, vì số lượng ngày một ít. Loại này, đôi khi không đổi được tiền mới cứng, người ta sẵn sàng đổi các loại tiền cũ hơn một chút từ các cửa hàng, nhà bán lẻ. Đến sau Tết, cũng từ nhu cầu này, mà ở cổng các đền, chùa, mới nở rộ dịch vụ đổi tiền lẻ “mười ăn tám” hay “mười ăn bảy”, tức là đưa 1 triệu đồng chỉ lấy được 700 nghìn tiền lẻ.
Thành ra có nhiều bạn làm ngân hàng, nhất là các chức vụ lãnh đạo, sát Tết, cứ phải tắt điện thoại hoặc không dám nghe máy, vì không thể nào giải quyết xuể nhu cầu đổi tiền của người thân, người quen.
Còn những người không quen ai ở ngân hàng thì lại phải nhờ người có người quen, cứ thế các mối quan hệ dắt dây nhau, kiểu gì cũng ra. Không ra thì người nọ đành san cho người kia một ít, đảm bảo đủ nhu cầu tối thiểu cho các mối quan hệ cần thiết nhất.
Nhà tôi năm nào mà bận quá quên không liên hệ sớm để hẹn trước với bạn ở ngân hàng là mệt ngay. Năm nay, lại phải nhờ một cô bạn có em làm ngân hàng, may mà cô ấy còn tiền. Thế rồi gom nhu cầu của thêm mấy người nữa, đổi về cả sáu bảy chục triệu. Rồi lại chia chia đếm đếm, cũng đau hết cả đầu.
Rồi sau mấy tuần quay cuồng, nhà nào cũng có sẵn gói này bọc nọ tiền mới, để bắt đầu bước vào một mùa Tết, bên cạnh các món truyền thống như đào, quất, bánh chưng, giò chả, bánh mứt, hoa quả… là những phong bao lì xì đỏ có sẵn những tờ tiền mới cứng sẵn sàng cho nhiệm vụ của nó ngày đầu năm.
Ăn Tết xong, thừa được món tiền mới nào, là vui lắm, ai cũng cất đi để dành cho Tết năm sau dùng tiếp.
Nhưng đến Tết tới, kiểu gì cũng lại bước vào một vòng xoay mới, lại tìm nguồn, chuẩn bị tiền để đổi, và loay hoay đi đổi tiền mới.
Không ai hình dung đến khi nào, cái tục lệ này nó mới thay đổi!
Theo LÊ TIÊN LONG (Khám Phá)