Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh ở xã Nhơn Hội (huyện An Phú)
Nhiều ảnh hưởng
Nhơn Hội là xã đầu nguồn của huyện An Phú, có đường biên giới dài 7,5km, tiếp giáp tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia). Toàn xã có 2.791 hộ dân với 10.690 nhân khẩu, dân cư sống dọc theo bờ sông và trục lộ giao thông nông thôn. Mùa lũ thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 trên diện rộng, thường xuyên có nhiều đợt mưa lớn, bão kéo dài kèm theo gió lốc, sét, sạt lở đất gây thiệt hại trực tiếp đến sản xuất, cơ sở vật chất, tính mạng và tài sản nhân dân.
Năm nay, lượng mưa sớm ở mức trung bình cao, mực nước lũ lớn, thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường và xuất hiện nhiều cơn bão lớn. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội Cao Xuân Điệu cho biết, nhằm kịp thời xử lý các tình huống khó khăn do bão lũ gây ra, xã xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN, chủ động phương án và thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy, phương tiện, lực lượng và hậu cần tại chỗ), thành lập 2 đội phòng cháy. chữa cháy, 6 chốt cứu hộ và 1 đội thanh niên xung kích tham gia công tác PCTT&TKCN. Ban chỉ huy thường xuyên tổ chức tuần tra bằng phương tiện vỏ lãi trên tuyến sông và trên đồng trống giáp ranh Campuchia trong mùa mưa lũ. Các chốt trực thường xuyên bố trí người sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra…
Theo Ban Chỉ huy ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS huyện An Phú, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện xảy ra 2 vụ cháy, ảnh hưởng 2 căn nhà, thiệt hại hơn 2,1 tỷ đồng; xảy ra 1 vụ đuối nước trẻ em; 6 vụ sạt lở tại các xã Khánh Bình, Vĩnh Trường, Quốc Thái, Vĩnh Hậu và thị trấn Long Bình.
Trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ giông lốc ảnh hưởng 127 căn nhà, ước tổng thiệt hại hơn 4,5 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, động viên, thăm hỏi và hỗ trợ người dân. Đồng thời, được sự hỗ trợ của các ban, ngành đã khắc phục các thiệt hại về vật chất, giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Tăng cường ứng phó
Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp (Trưởng ban Chỉ huy ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS huyện) cho biết, để chủ động trong công tác PCTT&TKCN kịp thời, hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Các ngành, đơn vị, địa phương có phương án ứng phó thiên tai sát với tình hình thực tế, tổ chức huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tăng cường phối hợp tìm kiếm cứu nạn; phương án di dời, sơ tán dân cư trong trường hợp khẩn cấp (bão, áp thấp nhiệt đới…) ra khỏi khu vực nguy hiểm.
“Tăng cường thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thực hiện tốt chế độ báo cáo; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, phát thanh kịp thời để các cấp, ngành và nhân dân chủ động triển khai các giải pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai theo kế hoạch, như: Các dự án quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư có nguy cơ sạt lở cao; các công trình nâng cấp đê, kè chống sạt lở bờ sông… kịp thời gia cố, sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo đảm an toàn các công trình, hệ thống bờ bao, đê bao để bảo vệ sản xuất”- ông Trần Hòa Hợp thông tin.
Rà soát, thống kê số hộ dân sống ven sông, kênh rạch và các khu vực xung yếu, khu vực trũng, khu vực sạt lở, bị ngập do lũ… có kế hoạch di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn khi có thiên tai xảy ra. Huy động mọi nguồn lực tài chính cho công tác PCTT&TKCN. Thực hiện xã hội hóa, phát huy tốt phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong PCTT&TKCN.
Tăng cường hiệp đồng giữa các lực lượng quân sự, công an và bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn, nhằm chủ động khảo sát địa bàn, xác định các khu vực thường xảy ra thiên tai (vùng ngập lũ, sạt lở, giông lốc…), khoanh vùng và bố trí lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý, khắc phục nhanh, sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất, đời sống nhân dân. |
HỮU HUYNH