Dấu son 40 năm của Hội Đông y tỉnh An Giang

11/11/2022 - 06:39

 - “Thành lập từ năm 1982, xuyên suốt 40 năm qua, Hội Đông y tỉnh An Giang đã làm tròn nhiệm vụ khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng y học cổ truyền và y học cổ truyền kết hợp y học dân tộc. Xuất hiện nhiều điển hình lương y tiên tiến, nỗ lực chăm sóc sức khỏe người dân; phát triển rộng rãi phong trào trồng và sưu tầm dược liệu, Qua đó, phát huy tốt vai trò của hội đông y các cấp”- PGS.TS.BS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nhận xét.

Hội Đông y tỉnh An Giang nhận cờ thi đua xuất sắc của Hội Đông y Việt Nam

ThS.BS Trần Quang Thảo, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh An Giang chia sẻ, qua 40 năm hình thành và phát triển, hội đông y các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y tỉnh trong tình hình mới; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân… đạt những thành tựu quan trọng, tạo nền tảng cơ bản cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Từ nhận thức thống nhất, 40 năm qua, nhiều công trình “ý Đảng - lòng dân”, thông qua các phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, như: Chung tay xây cất phòng chẩn trị miễn phí, lập vườn thuốc nam tự túc; tích cực trồng rau, cây cảnh, cây ăn trái làm tủ thuốc xanh quanh nhà; tham gia hoạt động sưu tầm, sơ chế, chế biến dược liệu, bào chế thuốc nam dạng cao đơn hoàn tán, mua sắm máy, thiết bị điện châm, laser châm, máy phiến dược liệu, máy tán, máy làm viên... dụng cụ và vật tư cần thiết theo yêu cầu KCB và tự túc sản xuất thuốc phục vụ miễn phí cho người dân.

Từ 120 cơ sở chẩn trị chủ yếu bằng tre lá (nhiệm kỳ 1), đến nay, mạng lưới hội Đông y bao phủ 100% từ huyện đến cơ sở; gần 30% khóm, ấp đã thành lập phòng chẩn trị gắn liền Chi hội Đông y ấp. Cả tỉnh có 1 Trung tâm Đông y - Châm cứu cấp tỉnh, có 4 phòng chẩn trị đông y cấp huyện (Châu Thành, Tịnh Biên, An Phú và TP. Châu Đốc), 383 phòng chẩn trị đông y cấp xã. Có gần 1.600 hội viên và gần 2.000 lao động thiện nguyện hỗ trợ hoạt động từ thiện - xã hội của các phòng chẩn trị.

Từ sự hoạt động tích cực của các phòng chẩn trị, số người sử dụng đông y - châm cứu để phòng bệnh ngày càng tăng. Năm 1976, chỉ có 15% số người bệnh chọn phương pháp Đông y thì đến nay đã tăng lên 40%. Chỉ tính riêng tại các cơ sở chẩn trị của hội đông y, 40 năm qua, đã KCB cho gần 120 triệu lượt người, với 88.000 tấn thuốc nam các loại đã sử dụng.

Từ năm 2000 đến nay, Trung tâm Đông y - Châm cứu của Hội Đông y tỉnh An Giang là đơn vị đi đầu khu vực ĐBSCL trong việc thực hiện tự chủ hoàn toàn tài chính, đầu tư ứng dụng công nghệ chiết suất thuốc thang đóng gói tự động và chuyển giao ứng dụng kỹ thuật vật lý y sinh laser châm chữa một số bệnh...

Số người bệnh tìm thuốc nam và các sản phẩm có nguồn gốc cây thuốc tự nhiên để hỗ trợ điều trị và chữa bệnh không lây nhiễm do rối loạn chuyển hóa ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, Hội Đông y tỉnh An Giang đã hướng dẫn Hội Đông y cấp xã trong toàn tỉnh chủ động được bài thuốc xông phòng, chống dịch COVID-19 bằng nguồn dược liệu tại chỗ.

Hàng năm, Thường trực Hội Đông y tỉnh An Giang tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm sử dụng phương pháp chữa bệnh hay, bài thuốc quý ngày càng thu hút đông đảo chuyên gia, bác sĩ, lương y, thầy thuốc tham gia. Nhiều đề tài nghiên cứu về dược liệu đặc hữu An Giang được nghiệm thu và tổ chức chuyển giao.

Từ đó, kích thích phong trào mở rộng diện tích trồng và sử dụng thuốc nam trên địa bàn; vùng bảo tồn cây dược liệu ở núi Cấm, núi Dài, rừng Tràm Sư được quan tâm chăm sóc và bảo vệ, đã có một số sản phẩm từ cây dược liệu, như: Trà kim ngân hoa, trà xạ đen, viên nghệ mật ong… được thị trường đón nhận, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ghi nhận sự đóng góp của cán bộ, hội viên hội đông y các cấp trong tỉnh, nhất là các phong trào thiện nguyện, chung tay chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Để tiếp tục phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y tỉnh trong những năm tiếp theo, ông Lê Văn Phước đề nghị, Hội Đông y tỉnh cần chủ động phối hợp ngành y tế đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch liên tịch của 2 đơn vị về phối hợp hoạt động trong công tác bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền để hoạch định việc cần làm trong thời gian tới.

Đồng thời, Hội Đông y tỉnh An Giang phối hợp Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được hỗ trợ trong hoạt động dạy nghề đông y - châm cứu; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn và tạo điều kiện dạy kỹ năng trồng, chế biến dược liệu tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh từ dược liệu.

Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến cây dược liệu phục vụ nhu cầu mua quà tặng của du khách tham quan ở các điểm, khu du lịch, nhằm phát triển du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

NGỌC GIANG