Đấu tranh không khoan nhượng trên mặt trận chống buôn lậu

21/10/2020 - 06:12

 - Đó là tinh thần chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đối với các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua, đặc biệt là trong cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Từ tấn công, trấn áp…

Thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương trong tỉnh đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp đối tượng buôn lậu từ biên giới đến nội địa. Bên cạnh việc đẩy mạnh tấn công, trấn áp, các lực lượng chức năng còn đẩy mạnh tuyên truyền việc áp dụng mức xử phạt mới (theo Nghị định số 98/2000/NĐ-CP về xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá lậu vừa được Chính phủ ký ban hành). Chính những động thái rất quyết liệt này của các cơ quan chức năng nên hơn 1 tháng qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn đã lắng dịu hẳn, đối tượng buôn lậu không dám manh động như trước.

“Một tháng nay, em không còn đi đai vác thuốc lá nữa mà đã chuyển nghề, xin vào khu công nghiệp làm công nhân. Em được nghe thông tin trên tuyến biên giới hiện nay, lực lượng chức năng chống buôn lậu đã có mặt mọi lúc, mọi nơi, tổ chức tấn công trấn áp (với quy mô lớn) vào các đường dây, băng nhóm buôn lậu” - em Trần Văn Bạo (xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) chia sẻ.

Số liệu được đưa ra tại hội nghị sơ kết 1 tháng thực hiện kế hoạch liên ngành trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh An Giang, được Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tổ chức vào chiều 16-10 cho biết, sau hơn 1 tháng ra quân thực hiện kế hoạch liên ngành, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ 213 vụ, liên quan 87 đối tượng, bao gồm: 86 vụ có chủ hàng và 127 vụ vắng chủ. Hàng hóa bị tạm giữ bao gồm: 94.355 gói thuốc lá ngoại các loại, trên 100 tấn đường, 1.231 thùng bia và nhiều loại hàng hóa khác, tổng trị giá trên 6 tỷ đồng.

Bên cạnh việc thực hiện kế hoạch liên ngành, ngày 19-10, tại TP. Châu Đốc, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh còn tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu trên địa bàn tỉnh An Giang”. Hội thảo nhằm đánh giá tình hình, thực trạng hoạt động của các hành vi vi phạm pháp luật về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, đẩy mạnh công tác đấu tranh xử phạt các đối tượng buôn bán, vận chuyển mặt hàng này từ biên giới vào nội địa (theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 98/2000/NĐ-CP về xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá lậu).

Đến tăng xử phạt

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trần Thị Thu Thanh Thủy cho biết, điểm mới của Nghị định số 98/2000/NĐ-CP là không quy định hình thức phạt cảnh cáo mà phạt tiền tới 3 triệu đồng đối với hành vi buôn bán, tàng trữ thuốc lá lậu dù chỉ 1 bao. Nghị định số 98 ban hành lần này đặt ra rất nhiều kỳ vọng trong lĩnh vực xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu. Bà Thủy còn cho biết, ngay sau khi Nghị định số 98 có hiệu lực (từ ngày 15-10-2020), lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ngay và đồng loạt ra quân để kiểm tra, kiểm soát địa bàn.

Thông tin từ hội thảo cho thấy, thời gian qua, do ảnh hưởng từ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các đối tượng buôn lậu thuốc lá điếu luôn tìm mọi thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt lực lượng chức năng để vận chuyển mặt hàng này qua biên giới, rồi tuồn sâu vào nội địa tiêu thụ, thách thức pháp luật.

Tại thị trường nội địa, mặc dù thuốc lá nhập lậu không bày bán công khai, ngang nhiên như trước đây, song vì lợi nhuận, không ít điểm kinh doanh nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa, quán bar, karaoke… vẫn lén lút bày bán (thậm chí bán khá phổ biến). Đây là nguyên nhân chính khiến hoạt động buôn lậu thuốc lá tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, 9 tháng của năm 2020, các lực lượng chức năng tỉnh đã kiểm tra, phát hiện vi phạm đến 1.035 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu, với 820.172 gói thuốc lá lậu, xử lý hành chính 217 vụ, xử phạt số tiền trên 8,9 tỷ đồng, khởi tố 22 vụ.

Tại hội thảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Nguyễn Triết phản ánh, việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu vẫn còn diễn biến phức tạp không chỉ bởi thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, manh động, mà còn bởi nhu cầu sử dụng thuốc lá nhập lậu trên thị trường vẫn còn.

Theo ông Triết, để công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu tiếp tục đạt hiệu quả cao, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu, đặc biệt là các cửa hàng bán lẻ bày bán dù chỉ 1 bao thuốc lá nhập lậu theo tinh thần của nghị định mới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động để răn đe, ngăn ngừa các đối tượng dễ bị lôi kéo vào việc vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá nhập lậu.

“Nghị định số 98/2000/NĐ-CP về xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá lậu được Chính phủ ban hành cho thấy, các mức xử phạt mới mang tính răn đe cao, cụ thể nghị định này quy định xử phạt tới 3 triệu đồng đối với hành vi buôn bán, tàng trữ thuốc lá lậu (dù chỉ 1 bao). Đây là cơ sở để các lực lượng chức năng xử lý nghiêm hơn nữa đối với vấn nạn này trong thời gian tới” - đại tá Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang chia sẻ.

MINH HIỂN