Đấu tranh với “tín dụng đen”, lừa đảo lợi dụng công nghệ cao

02/11/2020 - 06:16

 - Trên địa bàn tỉnh An Giang, lực lượng công an đang tiếp nhận, tiến hành điều tra 4 tin báo liên quan đến vay tiền, lừa đảo qua App (ứng dụng trên điện thoại thông minh). Điểm chung của các trường hợp trên là khi người vay không có tiền trả nợ hoặc quá hạn trả (theo kỳ hạn hợp đồng vay trực tuyến), họ thường xuyên bị gọi điện thoại khủng bố tinh thần, nhắn tin xúc phạm, phát tán hình ảnh của người vay cùng gia đình lên mạng xã hội Facebook để đe dọa và yêu cầu trả nợ. Thậm chí, đối tượng gọi điện đến nơi làm việc của người vay và người thân của họ để khủng bố tinh thần, yêu cầu phải thanh toán các khoản nợ đã vay.

Chỉ cần tìm kiếm, rất nhiều App cho vay tiền online xuất hiện

Từ tháng 8-2019, bà H.T.Đ (sinh năm 1983, ngụ xã An Nông, Tịnh Biên) tải các ứng dụng vay tiền online trên CH Play, điền thông tin cá nhân, đồng ý các điều khoản theo quy định và được các app (“Vay mượn”, “V tiền”, “Sago”, “Uvay”, “Việt đồng”) hỗ trợ cho vay từ 1,5 - 10 triệu đồng. Tổng số tiền bà Đ. đã vay là 176,1 triệu đồng (nhưng thực nhận chỉ 128 triệu đồng); số tiền gốc và lãi khi hết hợp đồng vay là 194, 938 triệu đồng. Kỳ hạn trả lãi dao động từ 7 - 28 ngày, phí phạt quá hạn 245.000 đồng/ngày.

Tương tự, tháng 5-2020, bà Đ.T.B.N (sinh năm 1987, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) vay tiền qua nhiều ứng dụng, từ 7-8 triệu đồng. Hiện bà còn nợ vay khoảng 136 triệu đồng. Các trường hợp trên đều bị “khủng bố” đòi nợ liên tục, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và tinh thần của họ. Ngoài ra, xuất hiện tình trạng lừa đảo cho vay tiền. Điển hình, ngày 13-8, ông T.H.S (sinh năm 1980, ngụ trị trấn Chi Lăng, Tịnh Biên) truy cập Zalo, thấy tin nhắn của tài khoản “Vay tiêu dùng tín chấp” gửi thông tin chi tiết các khoản vay, điều kiện và lãi suất.

Ông S. đã cung cấp thông tin theo điều kiện vay, chọn số tiền cần vay là 40 triệu đồng. Sau đó, đối tượng gọi điện thoại yêu cầu ông chuyển tiền làm thủ tục vay. Tổng số tiền các lần chuyển khoản là 25,737 triệu đồng. Sau khi chuyển khoản hoàn tất, ông không thể liên lạc được với đối tượng.

Theo lực lượng công an, quá trình điều tra các tin báo gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là không thể nhận dạng được đối tượng đã cho vay (hoặc có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người vay), vì người vay chỉ thông qua các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh để vay tiền, chứ không gặp trực tiếp đối tượng cho vay.

Bên cạnh đó, chưa thể tìm được người đã đăng tải hình ảnh của nạn nhân lên các trang mạng xã hội, bởi các đối tượng đều sử dụng tài khoản ảo, không có thông tin về chủ tài khoản truy cập; hoặc nếu có thông tin cũng chưa đủ để xác định đối tượng. Lực lượng chức năng chưa thể tìm thông tin đối tượng từ các số điện thoại đã sử dụng, vì các đối tượng gọi điện cho nạn nhân thông qua mạng Internet, chứ không phải cuộc gọi viễn thông thông thường; hoặc các số điện thoại mà đối tượng sử dụng đều không có thông tin chính chủ.

Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”, lừa đảo thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Trong đó, tiếp tục phối hợp các sở, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; đẩy mạnh tấn công, trấn áp, xử lý đối với tội phạm và các hành vi vi phạm có liên quan; tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen”, nhất là loại hình cho vay, lừa đảo qua ứng dụng trên điện thoại thông minh để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp để họ không tham gia vào hoạt động này và tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, huy động vốn lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản, vỡ hụi... tiến hành điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần răn đe và phòng ngừa chung.

Về phía người dân, cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác để không phải trở thành “con nợ”, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trước khi vay tiền từ các ứng dụng trên mạng internet hoặc vay tiền thông qua cá nhân nào đó, phải tìm hiểu kỹ về lãi suất, phương thức cho vay. Đừng vì nóng lòng giải quyết khó khăn tài chính trước mắt mà chấp nhận những điều khoản vay thiệt thòi. Nếu không may vướng vào “tín dụng đen”, lừa đảo vay tiền, ngay lập tức trình báo cơ quan công an để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: AN KHANG

Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh thường xuyên phối hợp các sở, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông. Qua đó đã tổ chức tuyên truyền 639 cuộc, với 33.130 lượt người tham dự; tuyên truyền lưu động 94 lượt tại 1.438 điểm; phát 980 bài tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo…