Đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực

16/10/2024 - 07:40

 - Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của sự phát triển, An Giang đã và đang tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, ngành, các mặt của đời sống xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Theo Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, thời gian qua, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, các cấp, ngành của tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số một cách đồng bộ, quyết liệt. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân và DN, hướng đến nền hành chính minh bạch, hiện đại.

Đến nay, Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trong tỉnh; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân; 100% các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện có kết nối Internet phục vụ công tác quản lý, điều hành; 100% cơ quan Nhà nước của tỉnh có mạng cục bộ (LAN) và được kết nối mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Toàn tỉnh có 2.430.409 thuê bao di động; 429.788 thuê bao băng rộng cố định; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 66,2%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định là 83,17%; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh là 74,7%. Tỷ lệ phủ rộng mạng băng rộng cố định, tỷ lệ phủ sóng 3G/4G đạt 100% các xã. Tỉnh đang khuyến khích các DN đăng ký với tập đoàn/tổng công ty triển khai 5G tại An Giang.

Tổ chức chuỗi sự kiện Chuyển đổi số tỉnh An Giang. Ảnh: HỮU HUYNH

Cổng dữ liệu mở tỉnh An Giang được vận hành tại địa chỉ https://opendata.angiang.gov.vn/, thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu mở của các cơ quan, địa phương. Tiếp tục duy trì và vận hành hệ thống trả lời tự động thủ tục hành chính (TTHC) trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh nhằm hỗ trợ, giải đáp, hướng dẫn người dân, DN 24/7 trong quá trình nộp và giải quyết hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Tổ công nghệ số cộng đồng các xã, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức phổ biến, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng sản phẩm, dịch vụ số tại trụ sở hành chính khi người dân có nhu cầu, như: Cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (tạo tài khoản, thanh toán trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến); kỹ năng sử dụng nền tảng (ứng dụng di động SmartAnGiang, chuyển khoản, thanh toán không dùng tiền mặt).

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh được xây dựng tập trung, thống nhất tại địa chỉ: https://dichvucong.angiang.gov.vn và đáp ứng đầy đủ các tính năng, chức năng và yêu cầu kỹ thuật theo quy định, để tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn. Từ ngày 1/1/2024 đến 30/9/2024, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh cung cấp tổng số dịch vụ hành chính công (toàn bộ TTHC của tỉnh) là 1.916 dịch vụ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99%.

Đến nay, đã triển khai quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC trước đó đến 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn. Triển khai ứng dụng SmartAnGiang giúp kết nối người dân với chính quyền. Ứng dụng cho phép người dân tra cứu các tiện ích cơ bản, như: TTHC, quan trắc môi trường, đất đai...

 Ngoài ra, người dân có thể phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng gửi cơ quan chức năng để tiến hành xử lý và theo dõi tiến độ xử lý. Tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Có 10/10 bệnh viện công lập và tư nhân, 5/11 Trung tâm Y tế  huyện, thị, thành phố trực thuộc Sở Y tế sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí và các giao dịch khác (chuyển khoản, POS). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên. Đến ngày 16/9/2024, toàn tỉnh đã thu nhận 1.697.083 hồ sơ; kích hoạt 1.127.989 tài khoản định danh điện tử mức 2.

Các cơ quan chức năng còn tổ chức lớp đào tạo, tập huấn: “Kỹ năng kinh doanh số trên nền tảng TikTok”; “Ứng dụng digital marketing trong du lịch”; thanh toán không dùng tiền mặt; hợp đồng điện tử; đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình tham gia vào môi trường Internet và mạng viễn thông... cho cán bộ, công chức, DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, dịch vụ, ban quản lý chợ, tiểu thương và người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tham gia đăng ký thông tin, bán hàng qua các trang thương mại điện tử tham gia các kênh bán hàng thương mại điện tử trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến, như: Sendo của FPT; buudien.vn; Tiki; BigC; Shopee và Lazada… Đưa 150 sản phẩm OCOP và nông sản lên trang http://sanphamangiang.com (do Sở Công thương thực hiện) và http://ketnoiocop.vn để quảng bá, giới thiệu với các tổ chức, cá nhân tiêu dùng trong và ngoài nước...

Với sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị, chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được triển khai toàn diện, đồng bộ, thành công trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần đưa quê hương An Giang phát triển.

TRỌNG TÍN