Tại đây, đoàn đã có cuộc làm việc với Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh (TIKZN), Ban điều hành cảng xuất khẩu than Richards Bay và tập đoàn vận tải đường sắt Transnet.
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi làm việc với Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh KwaZulu-Natal. Ảnh: Hồng Minh/Pv TTXVN tại Nam Phi
Tại buổi làm việc với ông Neville Matjie, Giám đốc điều hành Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh, Đại sứ Hoàng Văn Lợi thông báo kế hoạch chuyến thăm và nội dung công tác của đoàn Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, dự kiến bao gồm chương trình kết nối B2B của đoàn doanh nghiệp tháp tùng tại tỉnh KZN. Hai bên trao đổi một số thông tin, định hướng triển khai và nhất trí phối hợp chuẩn bị để tổ chức thành công các hoạt động của đoàn.
Ngoài hỗ trợ triển khai các sự kiện sắp tới của Việt Nam, đại diện tỉnh KZN cũng bày tỏ quan tâm và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong một số ngành, lĩnh vực. Ông Matjie cho biết, về du lịch, tỉnh KZN chủ trương thúc đẩy phát triển ngành du lịch, mong muốn thu hút khách du lịch từ Việt Nam tới tỉnh KZN và học hỏi Việt Nam cách thức phát triển mô hình du lịch từ nền tảng là các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ hiện đang rất thành công tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, Hội An, vịnh Hạ Long. Ông cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành dệt may, nhất là về khả năng thu hút đầu tư vốn FDI cũng như khả năng thu hút các hợp đồng gia công sản xuất với nhiều nhãn hiệu thời trang lớn nhất trên thế giới. Về năng lượng tái tạo, trong bối cảnh thiếu hụt điện nghiêm trọng tại tỉnh làm tê liệt các ngành sản xuất, thương mại trên cả nước nói chung và tại KZN nói riêng, đại diện thương mại tỉnh KZN mong muốn tìm hiểm kinh nghiệm của Việt Nam trong việc tăng nhanh tỷ trọng điện tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia trong thời gian ngắn, cũng như cách thức thu hút đầu tư, quản lý các dự án đầu tư điện tái tạo của Việt Nam. Phía tỉnh KZN cũng kêu gọi Việt Nam đầu tư vào tỉnh trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời.
Theo ông Matjie, với vị trí địa lý nằm ở phía Đông Nam của đất nước, tỉnh KZN nổi tiếng với những bãi biển tuyệt vời, công viên safari, những ngọn đồi xanh tươi và những đồn điền mía và chuối rộng lớn cùng hệ thống cảng biển lớn sẽ là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Nam Phi.
Đại sứ Hoàng Văn Lợi cho biết Đại sứ quán sẽ tích cực hỗ trợ và cộng tác với bạn trong việc đưa nội dung này vào trao đổi, kết nối giữa các cấp chính phủ, địa phương và doanh nghiệp hai bên để mở ra các cơ hội hợp tác mới. Trước mắt, Đại sứ quán sẽ phối hợp với Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Nam Phi thu xếp thành phần các đoàn xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư tới Nam Phi có bao gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi làm việc Ban điều hành cảng xuất khẩu than Richards Bay. Ảnh: Hồng Minh/Pv TTXVN tại Nam Phi
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, trong chuyến thăm thực địa và làm việc tại cảng Richards Bay – cảng xuất khẩu than lớn nhất tại Nam Phi, đoàn đã có trao đổi với Ban quản lý cảng cùng đại diện tập đoàn vận tải đường sắt Transnet để tìm hiểu về hạ tầng logistics và chuỗi cung ứng từ khu vực khai thác (mỏ) đến cảng - có liên quan chặt chẽ tới khả năng thực hiện hợp đồng của Nam Phi với các đối tác nhập khẩu.
Theo Đại sứ Hoàng Văn Lợi, khai khoáng sẽ là một lĩnh vực hợp tác được Bộ Công thương hai nước chủ trương đẩy mạnh trong thời gian tới, trong đó có hoạt động nhập khẩu than từ Nam Phi nhằm đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện và hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. Trước đó, tháng 11/2022, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã sang làm việc với các đối tác Nam Phi để tìm hiểu về nguồn than và tiềm năng hợp tác cung ứng giữa hai bên.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nam Phi sau buổi làm việc, ông Alan Waller, Giám đốc điều hành cảng Richards Bay cho biết: “Việt Nam là một thị trường đang phát triển của Nam Phi. Và từ quan điểm của Nam Phi, chúng tôi muốn tăng cường mối quan hệ và hợp tác với một thị trường như Việt Nam”.
Theo ông Waller, Việt Nam và Nam Phi có rất nhiều tiềm năng phát triển hợp tác xuất nhập khẩu than đồng thời đảm bảo chất lượng than của Nam Phi rất tốt. Ông Waller cũng đảm bảo là một đơn vị logistics lớn taị Nam Phi, cảng sẽ cung cấp hiệu quả mọi dịch vụ mà Việt Nam cần. Ông cho biết: “Nếu bạn gửi một con tàu đến Nam Phi, bạn sẽ nhận được chất lượng vận hành, bạn biết rằng con tàu của bạn sẽ được xử lý trong khoảng thời gian nhanh gọn và hy vọng rằng điều đó sẽ mang lại các đề xuất giá trị từ quan điểm chuỗi giá trị cho tất cả các bên và giảm chi phí một cách hiệu quả”.
Theo TTXVN