Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

02/09/2021 - 06:40

 - Những tháng đầu năm 2021, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được cấp ủy Đảng, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, có chuyển biến tích cực. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được tăng cường; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức

Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả

Thời gian qua, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương có chuyển biến, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, như: Thanh tra, công an, kiểm sát, tòa án, cơ quan Đảng, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường trong việc giám sát, phản ánh, tố giác, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức. Những tháng đầu năm 2021, ngành thanh tra thực hiện 145 cuộc đối với 11.866 tổ chức, cá nhân được thanh, kiểm tra; phát hiện 3.264 tổ chức, cá nhân vi phạm. Kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 225 triệu đồng; ban hành 660 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 4 tỷ đồng; xử phạt bằng hình thức khác 1 tổ chức, 1 cá nhân. Đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước 182 triệu đồng; thu xử phạt vi phạm hành chính hơn 3,6 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 92,3%).

Các cấp, ngành và địa phương thường xuyên niêm yết công khai, minh bạch kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị; dự toán, quyết toán kinh phí, ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng; công khai thủ tục hành chính, quy trình, biểu mẫu, hồ sơ, thời hạn giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… Công khai số điện thoại “đường dây nóng” tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu. 

Về kiểm soát tài sản, thu nhập, ngày 4-3-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 113/KH-UBND về thực hiện kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu. Qua triển khai, có 7.592 người phải kê khai lần đầu tại 48 đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra tỉnh. Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm tác phong, đạo đức, trang phục, giờ giấc; có thái độ ứng xử, giao tiếp lịch sự, nhất là cán bộ thường xuyên tiếp xúc, giải quyết hồ sơ, công việc với người dân và doanh nghiệp... Tổ kiểm tra công vụ của tỉnh, huyện duy trì kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, nhằm ngăn chặn, uốn nắn, xử lý kịp thời tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm quy định về ứng xử, đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu, khó khăn, phiền hà trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Phòng ngừa kết hợp xử lý vi phạm

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, nhưng công tác PCTN vẫn được duy trì bài bản, hiệu quả. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Kết luận 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Công điện 724/CĐTTg ngày 17-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...

Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, để ngày càng nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Coi trọng công tác phòng ngừa, kết hợp với xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, tham nhũng. Thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng. Song song đó, phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng, cơ quan tư pháp; phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tham gia, ủng hộ tích cực của toàn xã hội. Khi có thông tin của xã hội và người dân, cơ quan đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng có nhiệm vụ xác minh đầy đủ, kịp thời; bảo vệ bí mật đối với người tố cáo, tố giác tội phạm.

THU THẢO