Dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

06/10/2022 - 07:19

 - Các lớp dạy nghề ở nông thôn gắn với nhu cầu xã hội, đặc biệt các lớp dành cho lao động nữ đang phát huy hiệu quả. Thông qua các lớp dạy nghề, chị em phụ nữ ở nông thôn có kiến thức, tay nghề, có việc làm thêm, tăng thu nhập ngay tại nhà. Nhiều cơ hội lập nghiệp được mở ra, giúp chị em ổn định kinh tế gia đình...

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện Tri Tôn tổ chức nhiều lớp dạy nghề, với đa dạng nghề cho hội viên phụ nữ ở địa phương có nhu cầu theo học. Cụ thể, đã có 11 lớp học nghề: May công nghiệp; đan đát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lục bình, cỏ bàng; phục vụ nhà hàng, quán ăn ở nông thôn… được tổ chức cho hàng trăm lao động nữ. Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ba Chúc Võ Thị Yến cho biết, sau khi hoàn thành khóa học, đơn vị đã liên kết, giới thiệu cho 58 học viên có nhu cầu may gia công sản phẩm tại nhà, thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Khi có thể học nghề, làm việc tại nhà, chị em phụ nữ vừa có điều kiện chăm sóc con cái, nhà cửa, vừa có thể tranh thủ thời gian làm việc, kiếm thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Hội LHPN thị trấn Ba Chúc còn chủ động phối hợp giới thiệu cho trên 8.000 lao động có việc làm ổn định ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Lớp học nghề may công nghiệp ở xã Hội An (huyện Chợ Mới)

Bên cạnh đào tạo nghề, Hội LHPN thị trấn Ba Chúc còn làm cầu nối liên kết một số học viên theo học các lớp may để thành lập và vận động chị em tham gia vào các tổ liên kết gia công may công nghiệp ở các khóm, ấp. Với cách làm này, vừa tạo được việc làm tại chỗ, vừa hỗ trợ vốn vay, giúp mở rộng quy mô các tổ liên kết để thu hút thêm nguồn hàng gia công… Từ đó, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có cơ hội phát triển. “Đặc biệt là góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ ở địa phương, không những phục vụ tại chỗ mà còn đưa sản phẩm phát triển xa hơn, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài” - chị Yến chia sẻ.

Thông qua các lớp dạy nghề lao động nữ, Hội LHPN thị trấn Ba Chúc còn phối hợp tuyên truyền về các hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh từ thế mạnh ở địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ nhàn rỗi. “Với những chị em bận chăm sóc con cái, nhà cửa, đi làm xa rất khó. Các lớp đào tạo nghề sau này đều được khảo sát đúng với nhu cầu của lao động nữ. Những nghề nào có nhu cầu học cao sẽ mở lớp trước, kèm theo đó là những hợp đồng liên kết gia công sản phẩm tại nhà nên chị em rất yên tâm theo học” - chị Yến giải thích thêm.

Mới đây, Hội LHPN xã Hội An (huyện Chợ Mới) phối hợp Trường Trung cấp Công nghệ - Kỹ thuật An Giang mở lớp dạy nghề may công nghiệp cho 29 học viên là hội viên phụ nữ. Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Hội An Trần Kim Ngân, đây là lớp học được mở thông qua khảo sát nhu cầu của lao động nông thôn, chưa qua đào tạo nghề, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề may công nghiệp. Trong đó, ưu tiên cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, lao động nữ mất việc làm, người khuyết tật. Lớp học có thời gian học 31 ngày, đảm bảo cho học viên sau khi hoàn thành sẽ nắm vững những kiến thức cơ bản về kỹ thuật may, như: Quần, áo, túi, cổ áo sơ mi… Bên cạnh đó, sẽ biết được cách hiệu chỉnh máy may đúng kỹ thuật, may được các đường may từ đơn giản đến phức tạp đúng yêu cầu, đạt hiệu suất công việc cao.

“Trước khi lớp học khai giảng, địa phương đã chủ động liên hệ với các công ty để nhận hàng về cho chị em may gia công tại nhà khi học xong. Khi nghe được thông tin này, rất nhiều chị em đăng ký học với mong muốn kiếm thêm thu nhập” - chị Ngân chia sẻ. Chị Huỳnh Thị Xuân Mai (ngụ ấp An Thuận, xã Hội An) là học viên trực tiếp tham gia khóa học may công nghiệp tại địa phương. Từ trước đến nay, do căn bệnh suy thận, thêm bị tai nạn giao thông nên chị Mai chỉ ở nhà, chăm sóc con cái. Mặc dù cũng muốn đi làm để kiếm thêm thu nhập, lo phụ kinh tế cùng chồng nhưng hoàn cảnh không cho phép. Bởi vậy, khi nghe địa phương có mở lớp may công nghiệp, học xong có thể nhận sản phẩm về gia công tại nhà, chị Mai vui mừng đăng ký ngay.

“Lớp học đã diễn ra được 2 tuần, tôi nắm được một số kỹ năng cắt, may cơ bản. Hồi trước, tôi sợ tiếng máy may công nghiệp vì thấy kêu lớn và may đường may rất nhanh. Mới ban đầu vào lớp, cứ tưởng sẽ không làm được nhưng được cô giáo dạy, hướng dẫn rất kỹ lưỡng nên giờ tôi và các học viên đều thực hành rất tốt” - chị Mai phấn khởi.

Sự quan tâm, đào tạo nghề phù hợp cho lao động nữ ở nông thôn kết hợp tạo việc làm tại chỗ, vừa giúp chị em có được việc làm ổn định, thêm thu nhập, vừa góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ mới.

ÁNH NGUYÊN