Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cao tốc

27/12/2022 - 06:59

 - Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành sẽ tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng ĐBSCL và các tỉnh, thành phố có dự án đi qua. Hiện, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đang nỗ lực, quyết tâm cao, tập trung thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ.

Tạo động lực phát triển

Từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, ưu tiên dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, có tính chất động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: Bắc - Nam phía Đông, Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh…

Trong đó, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, dài trên 188km, đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án 44.700 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25m.

Dự án thành phần 1 (Km0+314 đến khoảng Km57+328,32) từ tuyến tránh Quốc lộ 91 (xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) đến huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, dài 57km thuộc địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ, tổng mức đầu tư 13.800 tỷ đồng. Dự án đi qua các địa phương trong tỉnh, gồm: Xã Vĩnh Tế, Vĩnh Châu (TP. Châu Đốc); xã Ô Long Vĩ, Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú, Bình Chánh (huyện Châu Phú); thị trấn Vĩnh Bình, xã Vĩnh Hanh, Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành); xã Vĩnh Phú, Định Mỹ, Định Thành, Vĩnh Khánh (huyện Thoại Sơn).

Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, Cục Quản lý Đầu tư xây dựng thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có ý kiến về thiết kế cơ bản 157/189,4km để triển khai cắm cọc giải phóng mặt bằng. Cụ thể, dự án thành phần 1 đạt 57/57km; dự án thành phần 2 đạt 36,5/37,4km; dự án thành phần 3 đạt 9,6/36,68km; dự án thành phần 4 đạt 53,9/58,3km. Báo cáo của chủ đầu tư cho biết, đến giữa tháng 11/2022, đã hoàn thành công tác bay chụp, khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, công tác thí nghiệm và điều tra bãi đổ thải 4/4 dự án thành phần; khảo sát mỏ vật liệu 3/4 dự án.

Đảm bảo khởi công trước ngày 30/6/2023

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua, cả hệ thống chính trị An Giang đã vào cuộc quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án với quyết tâm cao nhất. Đến thời điểm này, những công việc liên quan thuộc trách nhiệm của tỉnh đã được tổ chức thực hiện kịp thời, đảm bảo hoàn thành theo mốc thời gian được Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, tỉnh tiếp tục liên hệ với bộ, ngành Trung ương để hỗ trợ và sớm hoàn thành một số nội dung, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, như: Phê duyệt khung chính sách, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ); phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường); kết quả thẩm định thiết kế cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (Cục Quản lý đầu tư xây dựng). Tỉnh phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023; cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Trên cơ sở kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Sở GTVT tổ chức thẩm định theo quy định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1; đảm bảo hoàn thành trước ngày 20/1/2023. Đồng thời, phối hợp đơn vị liên quan hoàn chỉnh các nội dung khác (kể cả công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện theo cơ chế đặc thù, quy định tại Điều 5 Nghị quyết 43/2022/QH15) để khởi công dự án trước ngày 30/6/2023.

Nhận định tiến độ triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho rằng, công tác triển khai thực hiện dự án bước đầu đạt nhiều kết quả, tiến độ bám sát mốc thời gian yêu cầu của Nghị quyết 91/NQ-CP, ngày 25/7/2022 của Chính phủ. Tuy nhiên, giữa các dự án thành phần chưa thống nhất chung, trong khi khối lượng công việc còn rất nhiều, thời gian gấp. Bộ GTVT đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư và đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan của Chính phủ hoàn thành thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, khung chính sách giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần, bảo đảm đủ điều kiện phê duyệt dự án đầu tư…

Để bảo đảm tính đồng bộ giữa các dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị chủ đầu tư, sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau, phối hợp cơ quan tham mưu của Bộ GTVT trong quá trình triển khai dự án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện

 

THU THẢO