Các lực lượng chức năng nỗ lực dập lửa, khống chế cháy rừng tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sáng 29-6-2019. Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN
Tại Trung Bộ, nắng nóng và nắng nóng gay gắt còn tiếp diễn đến ngày 1-7, gây nguy cơ cháy rừng và hỏa hoạn khu vực dân cư ở mức rất cao.
Tại Bắc Bộ, mưa to đến rất to tại khu vực vùng núi và trung du có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất vùng núi, tại các sông suối vùng núi phía Bắc có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1 - 3m.
Trên biển, gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8 gây sóng biển cao 2 - 3 m tại khu vực vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa).
Cụ thể tại Trung Bộ, ngày 30-6, do ảnh hưởng của rìa Nam rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ở các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất 36 - 39 độ, có nơi trên 39 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C là từ 10 - 18 giờ.
Đến ngày 1-7, nắng nóng chấm dứt ở vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng còn duy trì ở vùng núi các tỉnh này và ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận với nhiệt độ phổ biến từ 34 - 37 độ, có nơi trên 38 độ C.
Do ảnh hưởng của nắng nóng còn kéo dài đến ngày 1-7 nên nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư, nguy cơ cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ vẫn ở mức rất cao. Ngoài ra, nắng nóng tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với con người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Ngày 30-6, chỉ số tia UV ở Đà Nẵng có giá trị từ 6 - 9 ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng ở Trung Bộ cấp 2.
Từ ngày 2 đến 4-7, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có khả năng mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa dông rải rác vào chiều và tối. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nắng nóng diện rộng chấm dứt ở Trung Bộ.
Tại Bắc Bộ, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 22 - 25 độ Vĩ Bắc đang bị nén và gây mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to như (lượng mưa tính từ 19 giờ 29-6 đến 7 giờ 30-6): Tuyên Quang 111mm, Định Hóa (Thái Nguyên) 80mm, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 68mm, Hàm Yên (Tuyên Quang) 62mm, Tiên Yên (Quảng Ninh) 57mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 51mm.
Dự báo trong ngày 30-6, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác; đêm có mưa, mưa vừa và rải rác có dông. Riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ (đặc biệt các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn) có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 60 - 100mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Khu vực Hà Nội ngày và đêm 30-6 có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Cảnh báo: Trong đêm 1-7, ở vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông (lượng mưa phổ biến 40 - 80mm/12 giờ, có nơi trên 120mm/12 giờ). Trên các sông suối vùng núi phía Bắc có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1 - 3m; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi (đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), ngập lụt vùng trũng ở khu vực trên. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Trên biển, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên trong ngày và đêm 30-6, trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2 - 3m. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Theo HOÀNG NAM (TTXVN)