Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn Trường Sa (29/4/1975), tháng 4/2024, xuất phát từ Cam Ranh (Khánh Hòa) trên tàu 561-Khánh Hoà 01, đoàn công tác số 7 do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang - Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân làm trưởng đoàn đã khởi hành đến thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa.
Sau gần 30 giờ đồng hồ vượt sóng, mang theo tình cảm và nhiều món quà từ đất liền, tàu đã đến quần đảo Trường Sa.
Trong chuyến công tác này, Tập đoàn Hóa chất ủng hộ Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” 5 tỷ đồng, TP Hải Phòng tặng một trạm phát điện phục vụ dân sinh trị giá gần 5 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước tặng Bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông 1 máy tạo oxy...
Tàu cập đảo Trường Sa.
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang (thứ hai từ trái qua) dẫn đầu đoàn công tác số 7 đặt chân lên đảo Trường Sa.
Tại các điểm đảo, đoàn luôn nhận được sự đón tiếp nồng hậu, thắm nghĩa tình của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo.
Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa.
Ghé thăm đảo Trường Sa, hơn 200 thành viên trong đoàn ai nấy đều xúc động khi được vinh dự tham dự lễ chào cờ và chứng kiến nghi thức duyệt đội ngũ.
49 năm trôi qua từ ngày hoàn toàn giải phóng, đảo Trường Sa "thay da, đổi thịt" từng ngày. Những tán cây rộng, toả bóng mát ôm trọn quân dân trên đảo.
Các chiến sỹ trên đảo tương đối chủ động được nguồn cây xanh và lương thực (rau củ, thịt, cá).
Những căn nhà khang trang của các hộ dân sống trên đảo Trường Sa.
Tại đảo tiền tiêu, các em học sinh luôn được đảm bảo chương trình học theo quy định. Theo các giáo viên, trang thiết bị giảng dạy trên đảo không thiếu thốn so với đất liền.
Trong chuyến đi ngắn ngày này, ngoài đảo Trường Sa, đoàn công tác còn được ghé thăm các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Núi Le B, Tốc Tan B và Nhà giàn DK-1/12 (Tư Chính) trên thềm lục địa phía Nam.
Đảo Len Đao, một trong những đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa khi nhìn từ xa.
Do điều kiện khó khăn, đảo Len Đao vẫn thiếu những mảng xanh. Hiện các chiến sỹ trên đảo đang thực hiện chiến dịch "xanh hoá" với các giống cây được ươm và chuyển từ đảo Trường Sa, Song Tử Tây.
Nhà giàn DK-1/12 (Tư Chính) là điểm ghé thăm cuối cùng của đoàn trong chuyến công tác. Tuy nhiên, vì thời tiết xấu, đoàn chỉ có thể giao lưu từ xa qua bộ đàm với các chiến sỹ.
Qua 7 ngày, trải qua hành trình hơn 1.000 hải lý, tàu cập Quân cảng Lữ đoàn 125 (TP.HCM), kết thúc chuyến ghé thăm.
Mỗi thành viên đoàn công tác đều cảm nhận rõ, dù xa xôi, còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng với sự nỗ lực bền bỉ, quân và dân huyện đảo xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.