Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc

27/08/2024 - 08:38

Đã 55 năm trôi qua kể từ ngày Bác kính yêu đi xa, nhưng những chỉ dạy, những lời dặn dò của Người vẫn luôn được các thế hệ người Việt Nam ghi nhớ và thực hiện, đặc biệt là Di chúc - một di sản vô giá, kết tinh tinh hoa tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.

Đến nay Di chúc của Người vẫn luôn là văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

“Mấy lời để lại”

Những năm 1960, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta ở vào giai đoạn ác liệt, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Đế quốc Mỹ sau thất bại trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, đồng thời leo thang "Chiến tranh phá hoại" miền Bắc lần thứ nhất.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là tài sản vô giá, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hôm nay và mai sau.

Tác giả

Tháng 3/1965, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã hạ quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.

Thời điểm này, mặc dù trí tuệ còn minh mẫn, tinh thần còn sáng suốt nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh tự cảm nhận sức khỏe của mình đã có phần giảm sút so với những năm trước.

TTXVN_2308ChutichHochiminh2.jpg

Bác Hồ làm việc tại tầng 2 Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, tháng 4/1960. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Do đó, ngày 10/5/1965, Bác đã đặt bút viết một văn bản đặc biệt quan trọng mà Bác đã khiêm tốn gọi là “Mấy lời để lại.” Đó chính là bản Di chúc thiêng liêng của Người.

Trong hồi ký của mình, đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) đã viết: “Đúng 9h, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã suy ngẫm từ lâu. Phòng làm việc trên nhà sàn yên tĩnh. Gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn... Chính vào giờ phút đó Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau.”

Đó là ngày 10/5/1965, ngày đầu tiên Bác viết Di chúc. Rồi những ngày tiếp theo của tháng 5 năm ấy hay những ngày trung tuần tháng 5 của các năm sau cũng vậy, Bác viết, sửa chữa, bổ sung Di chúc ở phòng làm việc nhà sàn.

2308dichuc1.jpg

2308dichuc2.jpg

2308dichuc3.jpg

Bản Di chúc đánh máy năm 1965 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 19/5/1969 Bác xem lại Di chúc: “Đúng 9h, Bác ngồi vào bàn làm việc với bản Di chúc trước mặt. Bên ngoài nắng đã lên cao. Những chùm hoa phượng nở sớm, bắt nắng khoe màu rực rỡ. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng, lấp lánh ánh mặt trời. Một làn gió mát rượi ùa vào khung cửa sổ làm bay bay những sợi tóc bạc của Bác. Bác ngồi đó, tựa lưng vào thành ghế thoải mái, ung dung, nét suy tư hiện lên trên vầng trán rộng...”

Ngày 20/5/1969, “Người xem lại tài liệu lần cuối và xếp vào phong bì cất đi.”

Sau khi Bác mất, ngày 9/9/1969, trong Lễ truy điệu Người, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xúc động công bố bản Di chúc của Người. Đó là bản Di chúc hoàn chỉnh được ghép từ các bản Di chúc mà Bác đã viết, sửa và bổ sung hoặc thay thế trước đó.

20 năm sau, năm 1989, khi điều kiện cho phép, tất cả các bản thảo Di chúc của Bác đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) công bố đầy đủ.

Cụ thể, ngày 19/8/1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký ban hành Thông báo số 151-TB/TW, thông báo đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Bác và ngày Bác qua đời.

TTXVN_2308ChutichHochiminh6.jpg
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ sống và làm việc trên chiến khu Việt Bắc, Người luôn luôn giữ một nếp sống giản dị và thanh bạch. Trong ảnh: Bác Hồ trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Theo thông báo: “Năm 1965, Bác viết bản Di chúc gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ.

Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm sáu trang viết tay. Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói "về việc riêng" đã viết trong bản năm 1965, và viết thêm một số đoạn. Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như: chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước.

2308dichuc4.jpg

2308dichuc5.jpg

2308dichuc6.jpg

2308dichuc7.jpg

2308dichuc8.jpg

2308dichuc9.jpg

2308dichuc10.jpg

Bản Di chúc viết tay năm 1968 và 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay.
Các năm 1966, 1967, Bác không có những bản viết riêng.”

Như vậy, Di chúc là “tài liệu” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để viết, sửa chữa, bổ sung. Người đã cân nhắc từng ý, từng lời; nhưng mỗi ý, mỗi lời đều giản dị, chân thành như chính cuộc đời mà Người đã sống.

Việc nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung và viết lại Di chúc không chỉ thể hiện Người là người rất chu đáo, cầu toàn mà còn cho thấy Người luôn trăn trở, suy nghĩ cho vận mệnh của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân, ngay cả khi đã gần đất xa trời.

Văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc

Nội dung bản Di chúc là những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng và sự đoàn kết trong Đảng, về đoàn viên và thanh niên, về Nhân dân lao động, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về phong trào cộng sản thế giới và vài dòng nói về việc riêng.

TTXVN_2308ChutichHochiminh3.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đoàn đại biểu anh hùng, chiến sỹ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (15/11/1965). (Ảnh: TTXVN)

Ẩn sau những lời dặn dò mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cân nhắc khi viết từng câu, từng chữ ấy chính là sự quan tâm sâu sắc của Người đối với mọi vấn đề của dân tộc, là tình yêu bao la mà Người dành cho mọi tầng lớp Nhân dân và niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.
…Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đó là tâm nguyện, tình cảm, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng, thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.”

Đó là những chỉ dẫn về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền với những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng là: giữ gìn mối “đoàn kết trong Đảng,” thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân…; và nhiệm vụ chiến lược để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng - là công tác chỉnh đốn Đảng.

Đó còn là những dặn dò, nhắc nhở về sự cần thiết phải “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Bác nhấn mạnh: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên.”

TTXVN_2308ChutichHochiminh7.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Trong Di chúc, Bác nghĩ cho người dân của mọi tầng lớp xã hội. Đối với Nhân dân lao động, Bác căn dặn: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.”

Bác đặc biệt quan tâm đến những nhóm người yếu thế. Từ những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc: “phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh;” đến phụ nữ: “phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả việc lãnh đạo” và cả những nạn nhân của xã hội cũ (như trộm cắp, cờ bạc, buôn lậu…): “phải vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những lao động lương thiện.”

2308dichuc11.jpg

2308dichuc12.jpg

2308dichuc13.jpg

2308dichuc14.jpg

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969.

Qua đó chúng ta càng thấy rõ tấm lòng đôn hậu, bao dung, tình thương yêu con người vô bờ bến của Bác.

Bên cạnh đó, Bác còn phác thảo lý luận về sự nghiệp đổi mới ở nước ta với những chỉ dẫn quan trọng về quản lý xã hội như: đào tạo nguồn nhân lực, sửa đổi chế độ giáo dục, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, chính sách xã hội, công bằng xã hội.

Gọi là Di chúc, nhưng bên trong lại không có mấy lời nhắc đến những yêu cầu của bản thân người viết. Cả cuộc đời, Bác đã phấn đấu, hy sinh chỉ nhằm một mục đích “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu.” Ngay cả trước lúc đi xa, điều Người nuối tiếc nhất vẫn là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.”

2308dichuc15.jpg

Xúc động hơn cả là Bác ra đi không đem theo gì, mà “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.”

Mong muốn cuối cùng của Người là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”

Từ những cống hiến lớn lao và kinh nghiệm phong phú trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò tất cả những điều cần thiết, quan trọng, chính yếu cho tương lai của dân tộc. Chính vì vậy mà Lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã viết: “Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt.”

Trải qua năm tháng, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là tài sản vô giá, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hôm nay và mai sau./.

TTXVN_2308ChutichHochiminh10.jpg

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa III ngày 16/4/1965, Hồ Chủ tịch phát biểu kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước tiến lên quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. (Ảnh: TTXVN)

Theo Vietnamplus