Trình bày sự việc, bà Lai Thị Mỹ Nga (sinh năm 1957, ngụ ấp Đông Sơn 2, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) bức xúc: “Vừa qua, cháu nội tôi tên Huỳnh Hữu T. (hơn 3 tuổi) được gửi vào Trường Mẫu giáo thị trấn Núi Sập để nhờ trông giữ, chăm sóc tạm thời, chi phí 30.000 đồng/ngày. Chiều 7-6, tôi đến rước cháu về. Đến nhà, tôi phát hiện cháu bị mất sợi dây chuyền bằng bạc và mặt dây đeo móng con báo, trị giá 2,5 triệu đồng. Khi được hỏi, cháu nói: “Cô giáo đã lột ra giữ”. Hôm sau, tôi đến trường gặp cô hiệu trưởng, hỏi cô giáo nào lột sợi dây chuyền của cháu tôi. Lúc đó, cô hiệu trưởng cùng cô U. (trông giữ và dạy cháu) không ân cần trao đổi, mà lớn tiếng nạt nộ, kêu tôi về. Liền đó, một cô giáo đến đưa sợi dây chuyền cho tôi, nhưng không có mặt dây đeo. Các cô nói không biết vật này và không hề trông giữ nó. Tôi thấy thái độ và phát ngôn của 2 cô giáo khá phản cảm, không xứng đáng là người đứng lớp để dạy dỗ cho trẻ em. Tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét tư cách, kiểm điểm 2 cô giáo, riêng cô hiệu trưởng có trách nhiệm bồi thường trang sức bị mất cho chúng tôi”.
Bà Lai Thị Mỹ Nga và cháu T. cùng sợi dây chuyền bạc
Phản bác thông tin trên, cô V.T.H.U. kể lại: “Trong lúc tôi đang hướng dẫn các cháu trò chơi, đố vui, bà Nga đến hỏi: “Cô nào lột dây chuyền của cháu tôi, cho lấy lại?”. Bị hỏi bất ngờ về sự việc không rõ, tôi đang tìm hiểu, chưa kịp trả lời, phụ huynh nói: “Cháu nội tôi tên T., mất dây chuyền ở đây, sao cô trông giữ mà không biết?”. Tôi hỏi cháu mất sợi dây chuyền loại gì, trọng lượng bao nhiêu, coi chừng mất ở đâu đó. Nếu xác định bị mất hoặc rơi rớt ở đây, chúng tôi sẽ tìm kiếm, khi gặp sẽ báo tin cho phụ huynh đến nhận. Tôi trả lời chưa dứt câu, bà Nga nằng nặc nói: “sẽ chuyển cháu T. chỗ khác, chứ gửi có mấy ngày mất vàng mà không biết”.
Cô N.T.H (người trực tiếp trông giữ cháu Huỳnh Hữu T.) cho biết thêm: “Dịp nghỉ hè, trường chỉ tổ chức 2 lớp nhận trông giữ, dạy học, hướng dẫn trò chơi cho các cháu. Cháu T. được bố trí ở lớp tôi, cô U. không biết rõ, bị phụ huynh truy hỏi nên không trả lời được. Các cháu vui chơi, xô đẩy, thậm chí lấy nhầm đồ chơi, vật cầm tay của nhau là chuyện thường xảy ra. Hôm đó, thấy cháu Trần Đức T. cầm chơi sợi dây chuyền bạc, tôi hỏi của ai, cháu nói không biết, chúng tôi cất trong tủ nhà trường, tìm chủ sở hữu đưa lại. Khi bà Nga đến trường hỏi sợi dây chuyền, tôi đem qua gửi cho bà.
Nhưng về đến nhà không lâu, bà Nga điện thoại lại hỏi: “Sao không có mặt dây đeo con báo?” và quay lại trường. Đến nơi, bà Nga không chịu nghe giải thích, một mực đề nghị tìm cho được, rồi cùng cô U. lục lọi mùng, mền, gối, chiếu và nhiều nơi khác. Do không thấy mặt dây đeo, bà cho rằng nhà trường không đưa lại, làm đơn phản ánh sự việc đến nhiều nơi”.
Bổ sung về việc này, cô Bùi Thị Kiều Oanh, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo thị trấn Núi Sập cho biết: “Dịp hè này, thấy nhiều phụ huynh học sinh có nhu cầu gửi cháu trông giữ nên nhà trường làm đề nghị, xây dựng kế hoạch thực hiện và được Phòng Giáo dục và Đào tạo đồng ý. Nhà trường bố trí 2 cô giáo phụ trách ở 2 phòng, với khoảng 25-30 cháu hàng ngày. Ban Giám hiệu thường xuyên có mặt, theo dõi tình hình các lớp, nhiều lần thông báo, khuyến cáo phụ huynh không nên cho các cháu đeo trang sức, vật có giá trị trong người. Đây là quy định nhằm phòng, tránh chuyện xấu có thể xảy ra. Tuy nhiên, sau 3 ngày cháu T. gửi ở trường đã xảy ra sự cố. Khi nhận được thông tin, chúng tôi đáp ứng, giúp bà Nga tìm trang sức bị mất. Đến khi không tìm thấy, bà Nga không hợp tác mà cứ truy hỏi, chúng tôi trả lời, giải thích, giải trình, chứ không có chuyện nạt nộ và đuổi phụ huynh như phản ánh”.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thoại Sơn Thái Thị Anh Thư thông tin: “Trường Mẫu giáo thị trấn Núi Sập xây dựng kế hoạch xin trông giữ trẻ em dịp hè, được Phòng Giáo dục và Đào tạo chấp thuận. Chúng tôi đã nhận đơn của bà Lai Thị Mỹ Nga, phản ánh về việc mất trang sức của cháu T. và thái độ ứng xử của giáo viên trường. Hiện, đơn vị đang phân công cán bộ chuyên môn xác minh, làm rõ, sẽ có kết quả thời gian tới. Tuy nhiên, qua vụ việc trên, chúng tôi tiếp tục khuyến cáo phụ huynh không nên cho học sinh (nhất là trẻ nhỏ) đeo trang sức, vật có giá trị khi đến lớp, để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra”.
Bài, ảnh: N.R