Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, dấu tích nền văn hóa cổ

17/03/2023 - 08:15

 - Văn hóa Óc Eo là một trong 3 nền văn hóa cổ ở Việt Nam, gồm: Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo. Cho tới nay, những kết quả nghiên cứu của giới chuyên gia, khảo cổ học trong nước và quốc tế đã hé mở nhiều cứ liệu khoa học về nguồn gốc, nội dung, tính chất của nền văn hóa cổ Óc Eo.

Theo các chuyên gia, những di vật, phế tích và các giá trị của văn hóa Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam cổ. Năm 1944, cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên của  nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret được tổ chức ở phía Đông núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn). Địa điểm khai quật đầu tiên là ở gò Óc Eo, nơi mà sau này được ông lấy tên đề nghị đặt danh xưng cho một nền văn hóa cổ đại phân bố rộng khắp, đó là “Văn hóa Óc Eo”.

Các cổ vật về nền văn hóa Óc Eo được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh

Qua phát hiện và nghiên cứu văn hóa Óc Eo đã xác lập được một không gian rộng lớn phân bố ở nhiều nơi trong tỉnh An Giang, ĐBSCL và cả vùng đất Nam Bộ. Những kết quả nghiên cứu từ di tích, di vật của di tích Óc Eo là một chuỗi giá trị cấu thành toàn bộ giá trị chung của nền văn hóa này, trong đó Khu vực di tích Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn) có quy mô và vị trí trọng yếu.

Óc Eo là một gò nổi trên cánh đồng bằng phẳng của châu thổ, còn Ba Thê là một trong những ngọn núi lớn và cao. Không gian tự nhiên này được cư dân Óc Eo chọn để tạo nên một phức hệ văn hóa Óc Eo, mà ở đó sự liên kết giữa núi và châu thổ có thể xem là độc đáo nhất về không gian địa lý và không gian văn hóa của vùng Tây Nam Bộ.

Thông qua các cuộc điều tra thám sát và khai quật cho thấy, tại di tích Óc Eo - Ba Thê có quy mô lớn và mật độ tập trung di chỉ, di tích, di vật có đặc trưng tiêu biểu lớn nhất so với các khu vực khác. Đồng thời, là khu di tích tiêu biểu có đầy đủ các giai đoạn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo trong toàn bộ chuỗi di tích phát hiện trên vùng đất Nam Bộ...

Chính vì thế, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1419/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích khảo cổ kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn) là Di tích quốc gia đặc biệt, nhằm tôn vinh những giá trị to lớn của một trong 3 nền văn hóa cổ ở Việt Nam.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê có tổng diện tích 433,2ha được chia làm 2 khu. Khu A là vùng di tích trên sườn và chân núi Ba Thê, diện tích 143,9ha. Ở đây có hệ thống các di tích khảo cổ học thuộc nền văn hóa Óc Eo, gồm nhiều giai đoạn phát triển. Các di tích phân bố tập trung mật độ cao trên khu vực có cao độ từ 5-20m so với mực nước biển, như: Linh Sơn Bắc, Gò Út Nhanh, Gò Danh Sang, Gò Tư Trâm, Gò Cây Me, Gò Trung Sơn, Gò Sáu Thuận... là các di tích kiến trúc tôn giáo, cư trú và thương cảng.

Khu B là vùng di tích trên cánh đồng Óc Eo với tổng diện tích là 289,3ha. Với các di tích dạng gò nổi, như: Giồng Xoài, Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Cây Da, Giồng Cát... Gò Cây Thị, Giồng Cát, Gò Cây Trôm... là những di tích kiến trúc tôn giáo lớn, tiêu biểu cho loại hình di tích kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo điển hình có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII-VIII sau Công Nguyên.

Giá trị nổi bật của Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê là thiết lập nên dấu ấn một đô thị có cấu trúc hoàn chỉnh sớm nhất ở Đông Nam Á, lấy đỉnh núi Ba Thê làm trung tâm tôn giáo; còn ở chân núi và cánh đồng Óc Eo là khu vực cư trú, sản xuất và giao thương buôn bán có vai trò chủ đạo.

Hệ thống giao thông cổ trong khu vực này đủ khả năng để phục dựng một cách cơ bản và có đủ điều kiện để hình dung đầy đủ diện mạo khu đô thị cổ Óc Eo - Ba Thê. Bên cạnh, Khu vực di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê đã có một bộ sưu tập hiện vật có giá trị lớn do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret thu thập đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) cùng khối lượng di vật được các nhà khảo cổ học trong nước và Bảo tàng tỉnh thu thập từ sau năm 1975 đến nay, đang trưng bày lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Trong tập hợp hiện vật, có nhiều sản phẩm với cấu tạo phức tạp được tiếp thu kỹ thuật chế tác từ những trung tâm văn hóa lớn ở vùng Nam Ấn, giao lưu văn hóa với nhiều nước Ấn Độ, Trung Hoa, La Mã... minh chứng cho một thời, nơi đây từng là một đô thị, thương cảng, trung tâm kinh tế - văn hóa lớn và phát triển rực rỡ của Vương quốc Phù Nam xưa.

Hiện nay, bên cạnh việc gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo, phát huy tốt những giá trị của di tích, tỉnh đang tích cực triển khai các hồ sơ giai đoạn 2 trình UNESCO công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê là Di sản thế giới, góp phần đưa di sản văn hóa Óc Eo xứng tầm với các di sản văn hóa cổ trong nước và thế giới.

TRỌNG TÍN