Địa phương đã tiếp nhận hồ sơ của gia đình bà Nguyễn Thị Khôn

11/11/2019 - 07:40

 - Báo An Giang nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Khôn (sinh năm 1945, ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú), đề nghị được hưởng chế độ chính sách hàng tháng và khen thưởng xứng đáng với công lao đóng góp khi đã từng tham gia kháng chiến, giúp đỡ cách mạng.

Theo trình bày của bà Khôn, năm 1962, bà được vận động tham gia giúp đỡ cách mạng, đi thư liên lạc cho một đồng chí; vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men y tế... Cùng đi với bà còn có bà Nguyễn Thị Bé, Trần Thị Tuyết và nhiều người khác. Đến năm 1971, địch nghi ngờ, bắt giam bà tại khám lớn Châu Đốc. Không khai thác được gì nên chúng trả tự do cho bà sau gần 8 tháng giam giữ. Sau đó, bà tiếp tục hoạt động giúp đỡ cách mạng theo công việc được giao. Tháng 2-1972, trên đường vận chuyển, bà gặp trận càn của giặc, bị chúng bắn gãy tay trái, hư mắt phải, được đồng đội đưa vào trạm dưỡng thương. Do sức khỏe yếu, con mắt còn lại nhìn không rõ nên bà xin tổ chức cho về nhà. Đến năm 1973, bà lập gia đình, theo chồng về xã Vĩnh Thạnh Trung sinh sống đến nay.

Khi nghe chủ trương của nhà nước thực hiện chính sách người có công theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTCP ngày 9-11-2011 của Chính phủ, bà làm tường trình gửi UBND xã Vĩnh Thạnh Trung vào năm 2016, được xác nhận “từ trước đến nay bà chưa được khen thưởng”. Đồng thời, bà đã làm bản khai khen thưởng nhân dân về thành tích giúp đỡ cách mạng và tham gia kháng chiến chống Mỹ đề nghị tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng I, được UBND xã xác nhận thống nhất đề nghị tặng thưởng. “Thế nhưng, hiện nay khi tôi làm hồ sơ khen thưởng và nhận các chế độ của nhà nước thì được UBND xã và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho hay, trường hợp tôi thuộc đối tượng dân công hỏa tuyến tham gia chống Pháp và chống Mỹ, nên chỉ được hưởng trợ cấp 1 lần (2 triệu đồng) theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14-10-2015 của Chính phủ. Tôi không đồng ý, vì mức trợ cấp này không xứng đáng với công sức tôi bỏ ra. Hoàn cảnh tôi hiện tại quá khó khăn, tuổi đã cao, không còn khả năng lao động, thường xuyên ốm đau bệnh tật (do ảnh hưởng của việc bị đánh đập tra tấn tù đày và vết thương chiến tranh), không tự sinh hoạt được, phải nhờ người chăm sóc. Do vậy, tôi kính đề nghị các cấp, ngành quan tâm giải quyết chính sách cho tôi hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62 của Chính phủ, để có tiền sinh sống lúc về già, đồng thời được khen tặng thành tích trong kháng chiến” - bà Khôn bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Vĩnh Thạnh Trung cho biết, địa phương đã tiếp nhận hồ sơ của gia đình bà Khôn và đang hoàn chỉnh các bước thủ tục để thông qua Hội đồng chính sách ở cấp xã, sau đó sẽ gửi về huyện thông qua Hội đồng chính sách của huyện. Ban CHQS huyện có trách nhiệm gửi về Ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh, sau đó Bộ CHQS tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ gửi về Phòng chính sách Quân khu để xem xét giải quyết cho đối tượng được hưởng theo Quyết định số 49 của Chính phủ. Trường hợp của bà Khôn, cơ quan chuyên môn đang thực hiện theo Quyết định số 49.

Theo quy định, nếu thuộc diện đối tượng hưởng theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ hoặc Quyết định số 62/2011/QĐ-TTCP ngày 9-11-2011, thì thuộc thẩm quyền bên quân sự giải quyết. Quyết định số 62/2011/QĐ-TTCP ngày 9-11-2011 của Chính phủ là thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế Campuchia, nước bạn Lào; còn Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện cho đối tượng dân công hỏa tuyến tham gia làm nhiệm vụ trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, giúp cho bộ đội ta hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu (vận chuyển thương binh, lương thực thực phẩm, xây dựng công sự hầm hào, trận địa...).

Tuy nhiên, trước tiên bà Nguyễn Thị Khôn phải đến Ban CHQS xã nơi cư trú kê khai. Nơi đây sẽ thông qua Hội đồng chính sách xã, sau đó niêm yết công khai tại địa bàn ấp nơi bà Khôn cư trú từ 7-10 ngày. Trong thời gian này, nếu không ai thưa kiện về quá trình công tác của bà Khôn, đơn vị tham mưu cho hội đồng hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị chế độ được hưởng, rồi mới thông qua Hội đồng chính sách xã, sau đó báo cáo về Ban Chỉ đạo 24 huyện, tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo chuyển về Ban Chỉ đạo 24 tỉnh thông qua Bộ CHQS tỉnh, rồi mới đề nghị về Quân khu xem xét có quyết định.

Bài, ảnh: K.N