Nông dân xã Đào Hữu Cảnh trình bày vụ việc
Theo bà con nông dân, tháng 1-2021, UBND xã Đào Hữu Cảnh thông báo sẽ xả lũ đối với 2 tiểu vùng 3 vụ thuộc 4 ấp (Hưng Thạnh, Hưng Thới, Hưng Trung và Hưng Thuận). Bà con không thống nhất vì địa phương không tổ chức họp dân lấy ý kiến trước khi thông báo. Trong khu vực 2 tiểu vùng này, có trên 130 hộ nông dân đang canh tác khoảng 150ha (gồm 70ha là cây ăn trái, trồng cỏ nuôi bò, cây trồng ngắn hạn… 80ha còn lại trồng lúa) và trên 50 căn nhà cấp 4 tạm bợ đang ở dưới bờ thấp. Ngay từ trước khi hình thành làm lúa 3 vụ, chính quyền địa phương, tổ hợp tác và bà con nông dân đã hiệp thương đi đến thống nhất "3 năm, 8 vụ".
Thế nhưng, theo họ, mấu chốt vấn đề là từ năm 2011-2018 (7 năm sản xuất được 21 vụ) vẫn làm đúng 3 vụ không xả lũ, địa phương không nhắc nhở tổ hợp tác hay bà con xả lũ theo hiệp thương "3 năm, 8 vụ". Vì vậy, bà con cứ thế tăng gia sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng (từ lúa sang cây ăn trái). Năm 2018, tổ hợp tác lên nước trễ, bà con xuống giống vụ đông xuân cắt trễ qua tới tháng 4 (âm lịch) nên sai với lịch thời tiết, vụ này bị thất thu 70%. Do đó, UBND xã tiến hành họp dân để lấy ý kiến chỉnh vụ hè thu, chứ không xả lũ. Việc làm này rất hiệu quả, đa số bà con đồng tình.
“Gần đây, địa phương ra thông báo xả lũ vào vụ thu đông năm 2021, nhưng không tổ chức họp dân, còn đề nghị bà con chúng tôi tự xây dựng vành đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, hoa màu trong thời gian xả lũ. Bà con chúng tôi không đồng ý việc xả lũ, bởi việc xả lũ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, vì đa số là hộ nghèo, cận nghèo, “sổ đỏ” đã thế chấp vay vốn ngân hàng, hiện tại đang canh tác ổn định mong sẽ trả nợ ngân hàng, thoát nghèo, không có kinh phí để tự làm đê bao trước và sau khi xả lũ. Mặt khác, sẽ làm hư hại cầy trồng, chưa kể là có hộ đất ít làm đê bao thì sẽ mất đất, không đủ đất để làm đê, dẫn đến vỡ đê thiệt hại rất nhiều. Rất mong các cấp chính quyền xem xét thấu tình đạt lý, không thực hiện việc xả lũ, nhằm đảm bảo an toàn tài sản cho người dân” - các hộ dân nêu ý kiến.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú cho biết, trên cơ sở thực hiện thông báo kết luận của tỉnh, phòng tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch chung cho toàn huyện trong việc xả lũ, từng xã lên phương án cụ thể thông báo cho người dân ngay từ đầu năm để biết và xử lý, bảo vệ diện tích sản xuất. Mục đích của việc xả lũ là điều chỉnh lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để định hướng phát triển vùng sản xuất lúa an toàn và bền vững, góp phần tăng lợi nhuận cho người dân. Đồng thời, nhằm từng bước cải tạo đất, làm tăng độ phì nhiêu của đất, hạn chế lúa cỏ, cỏ dại, cắt giảm nguồn dịch hại lưu tồn trên đồng ruộng, giảm ngộ độc hữu cơ, rửa độc chất còn lưu tồn trong đất do sản xuất liên tục nhiều vụ; tạo điều kiện để sản xuất mang tính bền vững, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng hiệu quả sản xuất.
Trên cơ sở đó, phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch xả lũ các vùng sản xuất 3 vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025. Trên cơ sở kế hoạch của huyện, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai cho tất cả cán bộ, đảng viên biết và vận động người dân thực hiện chủ trương; tuyên truyền mục đích xả lũ và thông báo ngay từ đầu năm và liên tục trong 1 tháng trước khi xả lũ cho người dân biết và thực hiện. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn vận động hộ dân trồng cây lâu năm trên nền đất lúa cần lên liếp trồng đảm bảo cao trình chống lũ, những hộ đã trồng trước đây phải trang bị vành đai để bảo vệ diện tích sản xuất của mình. Hợp tác xã, tổ hợp tác rà soát thiết bị bơm để chủ động bơm tiêu khi cần thiết, đảm bảo an toàn tài sản cho người dân, xác định thời gian và mực nước duy trì trong vùng xả lũ; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Đài Truyền thanh và UBND các xã, thị trấn sẽ thông báo rộng rãi để người dân được biết và thực hiện xuống giống khi có lịch thời vụ khuyến cáo của tỉnh.
Theo địa phương, chủ trương, lộ trình xả lũ đã được xây dựng, triển khai từ năm 2020, được áp dụng cho toàn huyện Châu Phú, không riêng gì xã Đào Hữu Cảnh. Do đó, rất mong bà con nông dân ủng hộ, đồng thuận với chủ trương chung. Riêng các ý kiến, kiến nghị của bà con, địa phương sẽ ghi nhận, báo cáo cấp trên để xin ý kiến giải quyết.
Bài, ảnh: K.N