Dịch COVID-19: WHO châu Âu kêu gọi tiếp tục tiêm vaccine của hãng AstraZeneca

18/03/2021 - 20:24

Ngày 18-3, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh l việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh) mang lại lợi ích lớn hơn bất kỳ nguy cơ nào, do đó các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu nên tiếp tục sử dụng loại vaccine này.

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca . Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Kluge, các cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu đang tiến hành cuộc điều tra về một số ít trường hợp sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca xuất hiện triệu chứng đông máu khiến nhiều nước ở châu Âu đã ngừng sử dụng loại vaccine này. Ông cho rằng hiện chưa rõ liệu một số hay tất cả các trường hợp gặp phải tình trạng trên là do tiêm vaccine hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Ông nhấn mạnh ở thời điểm này, lợi ích từ việc tiêm vaccine của AstraZeneca lớn hơn nhiều những nguy cơ và nên tiếp tục sử dụng vaccine này để giúp ngăn chặn dịch bệnh cũng như cứu sống nhiều người khỏi đại dịch gây chết người COVID-19. 

Trước đó, ngày 17/3, WHO cũng đã ra tuyên bố tương tự, đồng thời cho biết việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ không làm giảm nguy cơ mắc bệnh khác hoặc tử vong do các nguyên nhân khác. Hiện tượng đông máu được cho là thường xuyên xảy ra và đây được cho là nguyên nhân gây bệnh tim mạch phổ biến thứ 3 trên toàn cầu. Trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng, các nước thường xuyên thông báo những tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm chủng, nhưng điều này không nhất thiết là có liên quan đến việc tiêm chủng. Ủy ban Cố vấn toàn cầu của WHO về an toàn vaccine đang thận trọng đánh giá dữ liệu an toàn mới nhất và sẽ công bố ngay khi có kết quả. 

* Cùng ngày, Anh cho biết đã xảy ra tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu và điều này sẽ khiến tốc độ tiêm chủng tại Anh trong những tuần tới chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, Anh hy vọng rằng việc bàn giao vaccine sẽ tăng trở lại vào tháng 5,6 và 7 tới. 

Giới chức y tế Anh ngày 17/3 cảnh báo chương trình tiêm chủng của nước này sẽ đối mặt với nguy cơ giảm đáng kể nguồn cung vaccine từ ngày 29/3 tới. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm Pfizer và AstraZeneca cho biết kế hoạch bàn giao vaccine ngừa COVID-19 của họ không ảnh hưởng gì, trong khi Bộ trưởng Nhà ở Anh Robert Jenrick lại từ chối bình luận về việc liệu có phải nguồn cung từ Ấn Độ gặp vấn đề hay không. 

Theo Bộ trưởng Jenrick, nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cho Anh sẽ ít hơn kỳ vọng của nước này trong vài tuần tới khiến tốc độ tiêm chủng có thể chậm hơn nhưng không ảnh hưởng đến mục tiêu đã đặt ra. Ông cũng hy vọng nguồn cung vaccine sẽ tăng trở lại vào các tháng 5,6 và 7 tới. 

Tuy nhiên, Anh khẳng định việc tiêm chủng chậm lại sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế trong những tháng tới. Theo cơ quan y tế vùng England, nguyên nhân của gián đoạn nguồn cung vaccine là do sự chậm trễ trong khâu bàn giao 5 triệu liều vaccine của AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ. 

Anh hiện đang trong giai đoạn tiêm mũi đầu tiên cho nửa triệu người trưởng thành và dự kiến sẽ đạt được mục tiêu này trong vài ngày tới, điều khiến Anh trở thành một trong những quốc gia phân phối vaccine nhanh nhất. Đến nay, Anh đã chủng ngừa cho 25,27 triệu người dân nước này, trong đó khoảng 48% là người trưởng thành. Theo ông Jenrick, Anh đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu chủng ngừa cho những nhóm đối tượng ưu tiên vào ngày 15/4 tới và tất cả người trưởng thành vào cuối tháng 7. 

Anh đưa ra cảnh báo trên sau khi Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/3 cho biết đang cân nhắc cấm xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 sang Anh nhằm đảm bảo nguồn cung khan hiếm cho chính công dân của liên minh này vốn đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 3 được cho là gây ảnh hưởng đến kế hoạch nối lại hoạt động du lịch vào mùa Hè này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Von der Leyen nêu rõ tất cả các phương án đều để ngỏ khi mà châu Âu đang trong một cuộc khủng hoảng của thế kỷ. Cập nhật thêm về kế hoạch vận chuyển vaccine, bà cho biết EU dự kiến nhận 200 triệu liều vaccine của Pfizer, 35 triệu liều của Moderna và 70 triệu liều vaccine của AstraZeneca vào quý II/2021. Ngoài ra, hãng Johnson & Johnson cũng sẽ bắt đầu phân phối vaccine vào tháng 4, trong đó các nước EU dự kiến nhận 55 triệu liều vào quý II năm nay.

Theo TRẦN QUYÊN (TTXVN)