Điểm hẹn của người đam mê đồ cổ

05/02/2023 - 10:50

 - Định kỳ chủ nhật hàng tuần, sân vườn quán cà phê Hoàng hoa kiểng ở thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) như trở thành một phiên chợ đồ cổ. Những người có cùng đam mê sưu tập và trao đổi các món đồ xưa tập trung đến đây sinh hoạt, học hỏi kinh nghiệm và săn tìm các dòng sản phẩm theo sở thích.

Khoảng 20 người tham gia là thành viên Chi hội cà phê đồ xưa Thoại Sơn. Ngoài ra, còn có hàng chục khách mời là những người mê đồ xưa đến từ các huyện, kể cả các tỉnh lân cận.

Mỗi người có một gian trưng bày riêng, đặc trưng theo sở thích, sở trường. Đó là khối tài sản được họ dày công sưu tập, trao đổi từ nhiều nơi và trong thời gian dài.

Lùi về mấy chục năm trước, có nhiều món đồ xa xỉ, chỉ gia đình khá giả mới sở hữu được. Cũng có những vật dụng từng rất bình dân, thân thuộc gần gũi, như: Đĩa, chén, chiếc đèn…

Chúng hiện hữu ở hiện tại với một thân phận khác. Giá trị mỗi món đồ dựa trên nhiều tiêu chí, từ độ hiếm, ý nghĩa văn hóa, lịch sử, độ bền, đẹp… Từ gốm lái thiêu, đồ điện tử, vật dụng cá nhân… qua thời gian đều có thể trở thành những món hàng giá trị rất cao.

Tiền xu, tiền giấy được khá nhiều người sưu tầm. Có tờ rất cổ, có tờ "biến mất" tầm nữa thế kỷ. Tờ tiền 10.000 đồng phát hành năm 1993, rất quen thuộc với thế hệ 8X, 9X, nay đã thành tiền xưa, muốn sở hữu phải bỏ số tiền cao hơn giá trị thực của nó.

Với những người đam mê lĩnh vực này, chơi đồ cổ, trước tiên là được lợi ích về mặt tinh thần, kế đến là lợi ích về kinh tế. Nhờ những buổi họp duy trì đều đặn, ai cũng có thể trao đổi, sưu tầm các món đồ xưa theo sở thích thuận lợi hơn so với trước đây.

Buổi sinh hoạt khép lại với chương trình đấu giá. Số tiền bán được trên mỗi món đồ thường được thành viên trích lại một phần để nhóm duy trì sinh hoạt cho những lần kế tiếp.

MỸ HẠNH