Định hướng cho thị trường cá tra

25/04/2019 - 07:47

 - Mặc dù có một số quốc gia đang thả nuôi cá tra nhưng Việt Nam vẫn giữ được lợi thế khi cá tra thả nuôi ở ĐBSCL sinh trưởng tốt, tiết kiệm chi phí, năng suất và chất lượng cao hơn. Vấn đề quan trọng là cần quản lý tốt quy hoạch vùng nuôi, phát triển thêm thị trường mới, xây dựng cơ chế liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Cơ hội thị trường EU

Ghi nhận từ giữa tháng 4 đến nay, giá cá tra nguyên liệu vùng ĐBSCL tương đối ổn định. Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, giá cá tra mua tại hầm trên địa bàn tỉnh ngày 24-4 từ 24.000-25.000 đồng/kg. Đây là mức giá được duy trì, không thay đổi từ ngày 17-4. Tuy so với giai đoạn đỉnh cao năm 2018, mức giá này thấp hơn nhiều nhưng tạm chấp nhận được.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2018, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi 5.400ha cá tra (tăng 3,25% so năm 2017), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 2,26 tỷ USD. Năm 2019, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đạt sản lượng cá tra 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD. Dù giá cá tra nguyên liệu những tháng đầu năm 2019 có trầm lắng nhưng mục tiêu này vẫn có cơ sở thực hiện. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 3-2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 472,2 triệu USD, tăng 7,8% so quý I-2018. Mặc dù giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ có giảm nhưng lại tăng mạnh tại EU, ASEAN, Mexico và một số thị trường đơn lẻ khác. Tháng 2 và tháng 3-2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 71,88 triệu USD, tăng đến 42,4% so cùng kỳ 2018. Riêng 4 thị trường trong khối là: Hà Lan, Anh, Đức, Bỉ tăng trưởng lần lượt 29,2%, 53%, 66,6% và 86,9% so với 3 tháng đầu năm 2018. Đây là mức tăng tích cực trong nhiều năm trở lại đây và là tín hiệu tốt cho các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này.

Theo các chuyên gia, chuyến công du 10 ngày của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (từ 28-3 đến 8-4-2019) được đánh giá là rất thành công khi thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tại cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP khẳng định, EVFTA có thể được phê chuẩn vào tháng 6 hoặc tháng 7-2019, tức là sau khi Nghị viện Châu Âu (EP) kết thúc bầu cử và bắt đầu nhiệm kỳ mới. Đây là tin vui với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nói chung, ngành cá tra nói riêng bởi ngay khi EVFTA có hiệu lực, 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3-4 năm (mức thuế nhập khẩu vào EU hiện tại khoảng 14%).

Định hướng cho thị trường cá tra

Tiềm năng cá tra vẫn rất lớn. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Giữ vững lợi thế

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới cho rằng, việc Mỹ công nhận Việt Nam đủ điều kiện tương đương xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này từ năm 2018 sẽ tiếp tục tác động có lợi đến ngành hàng cá tra Việt Nam. Năm 2018, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam, đạt giá trị 549,45 triệu USD (tăng 59,5% so 2017). Khi EVFTA có hiệu lực, thị trường EU sẽ rộng mở hơn đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Điều này tạo thêm cơ hội nâng cao giá trị cá tra bởi Châu Âu là thị trường khó tính nhưng người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để tiêu thụ sản phẩm có chất lượng tốt. Đối với thị trường Trung Quốc, thay vì xuất khẩu tiểu ngạch như trước đây, các doanh nghiệp cần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch để khai thác tiềm năng thị trường đông dân nhất thế giới này.

Theo nhận định của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2019, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cùng triển vọng thỏa thuận EVFTA được ký kết là những yếu tố tích cực đối với thị trường cá tra Việt Nam thời gian tới. Mặc dù Trung Quốc đang thử nghiệm nuôi cá tra nhưng theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, điều kiện khí hậu ở quốc gia này chưa thích hợp để nuôi cá tra giống như Việt Nam nên sản lượng vẫn ở mức khiêm tốn. Những năm tới, Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp chính cá tra cho thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, Mỹ và EU sẽ là 2 thị trường xuất khẩu cá tra nhiều kỳ vọng. Nguyên nhân do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã tác động lớn đối với mặt hàng cá rô phi của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ (bị đánh thuế cao). Điều này đồng nghĩa cá rô phi Trung Quốc sẽ tạo một khoảng trống lớn tại thị trường Mỹ và cơ hội để cá tra Việt Nam “lấp đầy” khoảng trống này. Trong khi đó, nếu EVFTA có hiệu lực, mức thuế 5,5% hiện tại đối với cá tra sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 năm, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, VASEP đang nghiên cứu thành một quỹ phát triển thị trường, tạo điều kiện cho việc xây dựng thương hiệu và mạng lưới bán hàng ở nước ngoài, giống như Na Uy đã từng làm đối với cá hồi. Song song đó, cá tra đã được xác định là sản phẩm quốc gia và có chính sách đặc thù riêng. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công thương xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới.

Tiềm năng thị trường vẫn rộng mở, vấn đề còn lại là siết chặt quản lý vùng nuôi, không để tình trạng nuôi tự phát cá tra thịt, cá tra giống diễn ra ồ ạt ở những địa phương không có lợi thế về nguồn nước, không tuân thủ tiêu chuẩn vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc... Bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần ngồi lại với nhau, thống nhất trần giá sàn xuất khẩu và kiên quyết cùng nhau liên kết giữ giá sàn, không để đối tác ép giá. Chính phủ cần chỉ đạo ngành ngân hàng xem xét cho vay, kéo dài thời gian đáo hạn nợ để giúp doanh nghiệp yên tâm mua nguyên liệu, dự trữ kho cá tra đông lạnh, chờ cơ hội thị trường để tăng giá trị xuất khẩu.

HOÀNG XUÂN