Đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ thị trường Tết bắt đầu vào vụ

11/11/2022 - 06:31

 - Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán 2023, thời điểm này, các cơ sở mộc trên địa bàn tỉnh An Giang đang tất bật với những đơn hàng cuối năm. Ngoài các sản phẩm truyền thống, các cơ sở còn đưa ra nhiều sản phẩm mới, mang dáng dấp hiện đại, phù hợp với nhu cầu trang trí nội thất trong dịp Tết Nguyên đán.

Các cơ sở mộc tất bật vào vụ

Đa dạng sản phẩm

Dịp cuối năm, sức mua người dân tăng cao. Trong đó, các mặt hàng mộc mỹ nghệ được nhiều người quan tâm để trang trí nhà cửa, tạo thêm sinh khí trong những ngày Tết. Hiểu tâm lý khách hàng, các cơ sở mộc tung ra thị trường nhiều sản phẩm mang biểu tượng thuần Việt, hướng đến những điều tốt đẹp, yên vui trong cuộc sống.

Trong đó, có thể kể đến, như: Tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng Phật Di Lặc, tượng Kim Thiền (tượng cóc 3 chân), thuận buồm xuôi gió, mã đáo thành công, long - lân - quy - phụng… Các sản phẩm này được điêu khắc bằng máy CNC nên có nhiều chi tiết tinh xảo, kiểu dáng cân đối, bắt mắt.

Bên cạnh các sản phẩm được chế tác bằng máy, trên thị trường còn xuất hiện các sản phẩm được làm bằng phương pháp thủ công. Dù độ tinh xảo không bằng, tuy nhiên, các sản phẩm được chạm khắc bằng tay mang đến sự tinh tế, sáng tạo, sinh động…

Anh Nguyễn Thanh Tài (chủ cơ sở chạm khắc gỗ ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) cho biết, tùy theo yêu cầu của khách hàng và diện tích gỗ, người thợ sẽ điêu khắc những hình ảnh, như: Tam tinh, tứ tượng; các vị phật, bồ tát…

Về chất liệu, các mặt hàng mộc mỹ nghệ tập trung chủ yếu ở các loại cây có giá trị cao, như: Bên, hương, cẩm lai… hay các gốc cây cổ thụ có những đường vân gỗ độc đáo.

Đối với các sản phẩm mộc gia dụng, tùy yêu cầu của khách hàng, sự sáng tạo của những người thợ mà cho ra sản phẩm có giá trị, như: Tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, giường hộp đến các loại ban công, cầu thang lầu, các loại tượng, phù điêu...

Gần đây, thị trường còn thịnh hành các loại tranh lịch gỗ để trang trí trong dịp Tết. Tranh lịch chủ yếu tập trung vào chủ đề, như: Thuận buồm xuôi gió, Phúc - Lộc - Thọ, tranh phong cảnh... Về chất liệu thường sử dụng gỗ pơ-mu và gỗ gõ đỏ. Các loại gỗ này bền với thời gian, vân gỗ đẹp, giá trị thẩm mỹ cao và không bị mối mọt phá hoại... Giá mặt hàng này từ 3-4 triệu đồng/bức tranh, tùy theo chất liệu gỗ cũng như độ phức tạp của nội dung.

Hối hả vào vụ

Những ngày này, đi dọc tuyến Tỉnh lộ 942, qua các xã Long Điền A, thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới)… đã nghe những âm thanh rộn rã của tiếng máy cưa, bào, đục đẽo từ các cơ sở làm nghề mộc, điêu khắc tượng gỗ với bầu không khí hối hả, khẩn trương.

Ông Trần Minh Đoàn (người đại diện làng nghề mộc chợ Thủ, xã Long Điền A) cho biết, tâm lý khách hàng thích sắm đồ nội thất để trang trí nhà cửa vào dịp cuối năm nên cơ sở thêm bận rộn bởi có nhiều đơn đặt hàng. Để hoàn thành các sản phẩm kịp giao cho khách hàng, lao động tại cơ sở phải làm việc tích cực hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà cơ sở xem nhẹ chất lượng, bởi mỗi sản phẩm được hoàn thành phải bảo đảm về chất lượng, thẩm mỹ nhằm tạo uy tín và thương hiệu cho cơ sở.

Cũng giống như làng nghề mộc chợ Thủ, thời điểm này, các cơ sở mộc ở thị trấn Mỹ Luông bận rộn không kém. Anh Trần Phước Trí (chủ cơ sở Thanh Tím, ngụ ấp Thị 2) cho biết, nhu cầu mua đồ gỗ để trang trí nội thất trở nên phổ biến, lượng khách đến cơ sở đặt hàng tăng. Để kịp đơn hàng, cơ sở phải thuê thêm người, đồng thời tăng ca làm đêm mới đủ số lượng hàng giao cho khách.

Giống như làng nghề mộc nổi tiếng, các cơ sở mộc ở nhiều địa phương thời điểm này cũng tất bật với các đơn hàng. Chị Huỳnh Thị Diễm (chủ cơ sở  mộc Thái Thịnh, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) cho biết, từ khoảng tháng 8-9 (âm lịch), cơ sở bắt đầu nhận các đơn hàng Tết của khách. Các sản phẩm được khách đặt hàng nhiều nhất là ghế, đôn, lục bình, đặc biệt là sập (phản) gỗ… Các sản phẩm được làm chủ yếu bằng gỗ me tây, xà cừ, có vân gỗ đẹp, chắc chắn. Giá các sản phẩm khá mềm, dao động từ 6-15 triệu đồng/bộ.

Thị trường Tết Nguyên đán được coi là “mùa làm ăn” quan trọng nhất trong năm đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Mặc dù công việc sản xuất trong thời điểm này vất vả hơn ngày thường, song bù lại, doanh thu tăng cao hơn nên người dân trong làng nghề ai nấy đều phấn khởi. Đặc biệt, đây còn là dịp để các cơ sở giải quyết lượng lớn người lao động tại địa phương, qua đó giúp nhiều người có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trong dịp Tết đến, xuân về.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích