Quang cảnh cuộc họp
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang, 9 tháng qua, các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng tiếp tục có sự phát triển ổn định. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, có mức tăng trưởng khá cao (tăng 7,53%, trong khi cùng kỳ năm 2020 tăng 3,24%); 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh có tỷ lệ tăng trưởng cao (cho vay lúa, gạo tăng 25,55%; thủy sản tăng 11,95%). Nợ xấu giảm so cuối năm 2020, trong tầm kiểm soát của các TCTD.
Các TCTD rất quan tâm chia sẻ, đồng hành với khách hàng vay, tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, như: miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… Tuy nhiên, do giãn cách xã hội, các TCTD gặp một số khó khăn, như: việc đi kiểm tra, thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng bị ảnh hưởng; khách hàng có nhu cầu vay vốn thu mua lúa gạo, nhưng không còn tài sản đảm bảo… Việc thực hiện lãi suất cho vay 4,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tuy được chú trọng, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 4% trên tổng dư nợ (3.142/79.443 tỷ đồng).
Tại buổi làm việc, các TCTD tập trung trao đổi, giải trình những vấn đề cử tri và ĐBQH đặt ra, như: hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để bà con chuyển đổi cây trồng; xem xét hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng cho hộ sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp và lao động bị mất việc do ảnh hưởng dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi sau dịch; tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp, đáp ứng vốn thu mua nông sản.
Đồng thời, đề xuất nhiều kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV các nội dung: tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; điều chỉnh quy định cho vay không có tài sản đảm bảo đối với các đối tượng được vay (trong đó có hợp tác xã) theo Khoản 3, Điều 9, Nghị định 55/2015/NĐ-CP...
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Thị Thanh Hương cho rằng, ngành ngân hàng ở tỉnh có sự phát triển ổn định trong giai đoạn này là rất quý, góp phần hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, kiềm chế nợ xấu. Đồng thời, đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục đề xuất các nội dung, chính sách tín dụng đặc thù cho người dân ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng; cung cấp thông tin đầy đủ, làm căn cứ để Đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH tổng hợp, phát biểu ý kiến đến Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương để phối hợp tháo gỡ; cùng đồng hành cùng Đoàn ĐBQH chăm lo an sinh xã hội cho cử tri và nhân dân trên địa bàn.
Tin, ảnh: GIA KHÁNH