Độc đáo lễ vật cúng Bà Chúa Xứ Núi Sam

28/05/2024 - 06:06

 - Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) là di tích nổi tiếng khắp nơi, mỗi năm thu hút hàng triệu lữ khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Những lễ vật dâng cúng Bà được khách thập phương chuẩn bị chỉn chu bằng cả lòng thành kính. Nét văn hóa đặc sắc này đã lưu truyền hàng trăm năm trong dân gian.

Từ trái cây…

Sáng tháng 4 (âm lịch), chúng tôi rong ruổi về núi Sam viếng miếu Bà Chúa Xứ. Thời điểm này đang bước vào những ngày cao điểm của lễ hội, dòng người từ khắp nơi đổ xô về cúng kiếng đông đúc. Đang loay hoay trước cổng, chúng tôi chuẩn bị chen vào “biển người” thì gặp nhiều du khách mang đủ loại lễ vật vào chánh điện dâng cúng Bà.

Đông đảo du khách đến cúng Bà Chúa Xứ

Hai chị em bà Trần Thị Giàu (62 tuổi, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) có mặt tại miếu Bà rất sớm. Bưng giỏ trái cây dâng lên cúng Bà Chúa Xứ, bà Giàu bày tỏ: “Sáng sớm, gia đình tôi thuê xe 16 chỗ lên núi Sam. Tính đến nay, tôi đã 30 năm đến chốn này để thắp hương, dâng trái cây cúng Bà. Nhà tôi trồng vườn, chủ yếu xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt đủ loại. Tất cả trái cây dâng cúng Bà, tôi đều hái từ vườn nhà”.

Bà Giàu quan niệm “trồng gì cúng nấy”, nên năm nào bà cũng tự tay ra vườn bẻ trái cây ngon vừa chín, như: Mãng cầu, quýt, cam, buồng cau dâng cúng Bà. “Vườn nhà có trồng trái cây nên gia đình dâng cúng, mong Bà Chúa Xứ phù hộ gia đình trúng mùa, trúng giá, thu nhập ổn định. Vụ trái cây vừa qua, gia đình tôi đạt năng suất cao, bán được giá” - bà Giàu trần tình.

Đang lóng ngóng trước chánh điện, chúng tôi gặp ông Tấn (59 tuổi, tài xế ở huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) hướng dẫn nghi thức cho người quen cúng Bà. Mỗi năm, từ sau Tết Nguyên đán kéo dài đến Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, ông Tấn chở nhiều đoàn khách đến miếu Bà cúng viếng.

“Đoạn đường từ tỉnh Đồng Nai đến TP. Châu Đốc rất xa nên chúng tôi đi từ 10 giờ tối hôm trước. Lễ vật cúng Bà, chị em dâng lên nào là trái cây, heo quay, áo, mão. Nhiều gia đình giàu có thì cúng vàng, chuỗi ngọc, khánh…” - ông Tấn bật mí.

Vác chiếc thùng carton bên trong đựng con heo quay, anh Huỳnh Văn Hải (ở TP. Hồ Chí Minh) chen qua dòng người để bước vào chánh điện dâng cúng Bà. Vừa đặt con heo quay vàng ươm xuống bàn, những nhân viên gần đó hướng dẫn thắp nhang khấn vái. Cúng xong, anh lật ngửa con heo quay, tiếp tục khấn vái hồi thứ hai.

Quệt mồ hôi ngang tráng, anh Hải hồ hởi: “Cả nhà tôi thuê xe 16 chỗ đến cúng Bà từ khuya. Gia đình tôi bán cá ở chợ Bình Điền, làm ăn được nên năm nào cũng đến An Giang cúng Bà “trả lễ”. Cúng Bà xong, chúng tôi qua viếng lăng Ông Thoại, đi cáp treo lên núi Sam tham quan nơi Bà từng ngự trên đỉnh”.

Rảo một vòng tuyến đường dành cho du khách đi bộ, ngoài những sạp bán mắm với hơn chục thương hiệu đặc sản trứ danh miền biên cương thì cạnh đó, nhiều bà con bày bán những vật phẩm cúng Bà trông bắt mắt. Ghé sạp Út Thúy chuyên bán lễ vật cúng Bà tọa lạc trước cổng chính miếu Bà Chúa Xứ. Mặc dù không gian bên trong không rộng rãi, nhưng bày bán hàng chục vật phẩm, như: Áo, mão, nhang đèn, trái cây... Du khách đến đây thoải mái lựa chọn.

Chị Út Thúy cho hay, giá cả niêm yết rõ ràng, tuyệt đối không nói thách, không chặt chém, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. “Năm sau, anh nhớ ghé sạp của em mua nhang đèn, trái cây hoặc giới thiệu bạn bè, người thân, gia đình đến mua ủng hộ” - chị Út Thúy nhắn nhủ.

Đến vàng bạc quý báu

Tính đến nay, chị Út Thúy đã hơn 10 năm sống bằng nghề bán lễ vật cúng Bà. Mỗi năm, chị thuê mặt bằng đối diện trước cổng miếu Bà, với giá 70 triệu đồng. Dịp Tết Nguyên đán kéo dài đến tháng 4 (âm lịch) là thời điểm du khách đến viếng Bà rất đông, vì vậy chị bán đồ rất chạy. Giờ đây, khu vực trước cổng Bà ít thấy cảnh chèo kéo mua trái cây, nhang đèn. Bởi, xung quanh khu vực miếu Bà có rất nhiều tiệm bán đồ cúng, tiện lợi cho du khách vào lựa chọn, với giá hợp lý.

“Các tiệm bán lễ vật cúng Bà trở nên chuyên nghiệp, du khách cần đồ cúng Bà ở đây đáp ứng ngay. Thời buổi bây giờ, muốn buôn bán bền vững phải giữ chữ tín hàng đầu. Mình bán chắc giá, sang năm du khách còn ghé mua” - chị Thúy cười khúc khích.

Chiếc mão do nghệ sĩ Bạch Tuyết cúng Bà

Bước lên trên nhà trưng bày hiện vật được du khách dâng cúng tạ ơn Bà, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước hàng trăm đồ vật có giá trị được Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam bảo quản cẩn thận trong lồng kính. Nhiều vật phẩm, như: Vàng rồng, chuỗi ngọc, áo mão, khánh vàng, biển vàng… có giá trị cao, mà lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là chén bạc, chén vàng kèm theo muỗng đũa bằng vàng, bạc sáng rực. Nhiều du khách đến thưởng lãm rất ngạc nhiên, bởi trước mắt họ đều là vàng thật 100%, rất độc đáo, không nơi nào có được. Cạnh đó là cặp rồng được đúc bằng vàng ngậm viên ngọc trân châu màu đỏ hiếm có, phía dưới ghi rõ tên người cúng tạ ơn Bà.

Đa số, những vật phẩm có giá trị trong nhà trưng bày đều cẩn vàng, đúc vàng chủ yếu do du khách cúng Bà. Gần đó, chậu bon-sai rất đẹp do 1 người dân ở quận 6 (TP. Hồ Chí Minh) cúng tạ ơn vào năm 2007 cũng được phủ vàng.

Trong số các vật phẩm bằng vàng nhiều nhất phải kể đến các khánh vàng, biển vàng được du khách TP. Hồ Chí Minh cúng Bà tạ ơn từ năm 2000. Nhân viên phục vụ tại chùa Bà khẳng định: “Vàng thiệt 100%. Du khách cúng đều ghi rõ họ tên, địa chỉ, ngày, tháng tạ ơn Bà. Ban Quản trị Lăng miếu trưng bày cẩn thận trong tủ kính để du khách đến vừa cúng Bà, vừa xem vật phẩm quý giá này”.

Tờ ngoại tệ bằng vàng

Rảo quanh một vòng nhà trưng bày, chúng tôi thấy tờ tiền ngoại tệ được làm bằng vàng bóng nhoáng do ai đó cúng Bà. Nằm gần cuối nhà trưng bày, có 1 chiếc mão bạc được cẩn xà cừ do nghệ sĩ Bạch Tuyết cúng Bà trước đó rất lâu. Ngoài ra, còn rất nhiều chiếc mão cất trong lồng kính được cẩn ngọc, dát vàng, trông rất đẹp, quý giá.

Nhưng điều đặc biệt hơn, phải kể đến là sợi chuỗi Bà được đúc bằng vàng 24k, nặng 162 lượng, có 187 hạt, trong đó có 1 hạt 50 chỉ vàng được trạm trổ hình chim phụng phun những hạt, châu nhỏ lan tỏa ra nhiều hướng, với hàm ý Bà Chúa Xứ ban phước lành cho mọi người.

“Báu vật này đeo tượng Bà vào ngày Lễ hội Vía Bà, Tết Nguyên đán và ngày rằm lớn trong năm. Chuỗi vàng do 1 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh chế tác. Hiện nay, Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam chỉ trưng bày tấm hình chuỗi vàng tượng trưng để đảm bảo an toàn đối với chuỗi vàng thật” - một nhân viên cho hay.

Nhiều du khách tấm tắc ngợi khen khâu bảo quản, trưng bày của Ban Quản trị Lăng miếu Núi Sam kỹ lưỡng theo thời gian. Thật ấn tượng, khi chúng tôi có chuyến tham quan miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam để được tận mắt xem những hiện vật bằng vàng hiếm có ở vùng biên cương này.

LƯU MỸ