Độc đáo nghệ thuật múa lân - sư - rồng

06/02/2019 - 07:00

 - Với những pha biểu diễn đẹp mắt, hòa quyện giữa nét đẹp tâm linh và võ thuật truyền thống được nhiều người ưa thích, múa lân - sư - rồng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi độ Tết đến xuân về. Bởi hình ảnh của lân- sư- rồng tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng…

Vào những ngày giáp Tết, dù ở thành thị hay thôn quê, khi nghe tiếng trống thùng thình, chúng ta đều nghĩ ngay đến hình ảnh múa lượn của những chú lân- sư- rồng rực rỡ cùng điệu cười ngặt nghẽo thật duyên của ông địa. Nghệ thuật múa lân- sư- rồng thường xuất hiện trong những dịp lễ hội hay lễ khởi công, khai trương, đặc biệt là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Vì theo quan niệm của người Á Đông, hình ảnh lân- sư- rồng tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng, mang đến những điều tốt lành. Tùy theo không gian rộng, hẹp và tính chất của từng lễ hội mà nghệ thuật múa lân- sư- rồng có những hình thức biểu diễn khác nhau, thể hiện nét đặc trưng riêng, tạo không khí sôi động thu hút người xem.

Độc đáo nghệ thuật múa lân - sư - rồng

Độc đáo nghệ thuật múa lân - sư - rồng

Các võ sinh tập luyện các động tác múa lân trên Mai Hoa Thung

Để múa lân- sư cần có 2 người, 1 người làm đầu lân, 1 người làm thân lân. Thường thì người làm đầu lân phải nhỏ hơn người phía sau, nhưng tay phải khỏe để rung lắc và di chuyển đầu lân sao cho nhịp nhàng. Người làm thân lân phải có sức khỏe và nhanh nhẹn để có thể nâng vác người phía trước lên đầu, vai hay đùi của mình. Để điệu múa đẹp, hấp dẫn, người múa thể hiện nhiều động tác tổng hợp rất uyển chuyển, linh hoạt và biểu lộ được nhiều cung bậc cảm xúc, hòa quyện trong tiếng trống giục giã, sôi động. Nếu múa lân- sư chỉ cần có 2 người thì múa rồng cần từ 10-20 người. Có con rồng dài vài chục mét và cũng có những con không quá 5m. Múa rồng đòi hỏi người múa luyện tập rất công phu để có thể phối hợp nhịp nhàng khi rồng uốn lượn, rồng phóng tới, rồng đảo lại phô diễn thần oai.

Theo anh Lê Hồng, Trưởng đoàn Lân- sư- rồng miếu Bảy Bà (TP. Châu Đốc), để bài múa lân đẹp mắt, với những bước di chuyển nhịp nhàng, điệu nhảy thanh thoát, đòi hỏi người múa phải có niềm đam mê, sự kiên trì, tinh thần đoàn kết, khả năng sáng tạo, cảm thụ âm nhạc và hiểu ý nhau. “Múa lân đòi hỏi khá nhiều kỹ năng trong từng động tác, mỗi bước đi trong múa lân giống như bước chân của con hổ hay con mèo. Nếu là múa trên mặt đất sẽ đi như hổ, nếu múa trên cọc sẽ nhẹ nhàng như mèo. Do vậy, những người múa lân thường là những người biết võ thuật, hoặc ít nhất phải thành thạo các tư thế đứng tấn vững chắc thì việc luyện tập, biểu diễn sẽ dễ dàng và đỡ vất vả hơn”.

Độc đáo nghệ thuật múa lân - sư - rồng

Biểu diễn trống hội

Hiện nay, múa lân cũng có nhiều đẳng cấp, cách thức, bài biểu diễn được thể hiện khác nhau tùy theo sự sáng tạo của đoàn lân. Tuy nhiên, thường có 4 bài. Một con lân biểu diễn gọi là “Độc Chiếm Ngao Đầu”, thể hiện tài tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi, tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một vị anh hùng. Hai con lân cùng biểu diễn gọi là “Song Hỉ”, thể hiện niềm hân hoan, tâm đầu ý hợp như loan với phụng, như đất trời và âm dương tương hợp. Ba con lân hợp múa phải có 3 màu vàng, đỏ, đen, gọi là “Tam Tinh - Tam Anh”, thể hiện 3 điều tốt lành là Phúc, Lộc, Thọ. Bốn con lân cùng múa gọi là “Tứ Quý Hưng Long”, tượng trưng cho 4 mùa, 4 phương, 4 hiện tượng trong trời đất, diễn tả trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Lân lên Mai Hoa Thung được cho là đỉnh cao của nghệ thuật múa lân. Ý nghĩa của động tác này là tượng trưng cho cuộc đời con người vượt qua khó khăn để đạt được điều tốt đẹp. Đây là điệu múa khó, mạo hiểm và cũng được người xem thích thú nhất vì lân phải nhảy, nhào lộn trên dàn Mai Hoa Thung, với 24 cọc sắt cao từ 1,2 - 3m. Đây là tiết mục đòi hỏi người biểu diễn dày công luyện tập mới có thể biểu diễn thành công. Do đó, loại hình này chỉ dành cho những ai thật sự say mê, sức chịu đựng dẻo dai và gan dạ. Em Nguyễn Gia Hưng (17 tuổi, ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) là một trong số ít người múa lân trên giàn Mai Hoa Thung của đoàn lân- sư- rồng miếu Bảy Bà (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Em phải mất gần 2 năm mới có thể tự tin biểu diễn. Ngày đầu tập, chúng em chưa hiểu ý nhau nên các động tác bật nhảy ngồi lên vai, đứng lên đùi đều không thành, trượt chân ngã, trật tay, trật chân, thậm chí bể đầu thường xuyên. Sau nhiều lần luyện tập, chúng em dần hiểu ý nhau hơn nên động tác khó đều làm được một cách thuần thục…”.

Độc đáo nghệ thuật múa lân - sư - rồng

Độc đáo nghệ thuật múa lân - sư - rồng

Hình ảnh ông địa vui nhộn

Trong múa lân- sư- rồng, tiếng trống là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự hấp dẫn của bài múa. Trống đánh trong múa lân- sư- rồng gọi là Thất Tinh Cổ (trống 7 sao). Trống đánh phải có bài bản, phù hợp với các bộ pháp như: chào, lạy, nằm, leo lên, tuột xuống, lúc khoan lúc nhặt, lúc dồn dập liên hồi mới diễn tả hết hùng khí của lân, oai phong của sư và oanh liệt như rồng. Ở đâu vang lên tiếng trống Thất Tinh, ở đó có bầu không khí rộn ràng của múa lân- sư- rồng, của lễ hội, của mùa xuân. “Một bài múa lân hay múa rồng đầy đủ có nhiều đoạn khác nhau được sắp xếp nhịp nhàng, trong đó phải có những đoạn tạo được cao trào. Điều đó đòi hỏi người biểu diễn không những phối hợp ăn ý với nhau, mà còn phải thể hiện được thần thái của linh vật, với những bước đi thật uyển chuyển, nhịp nhàng với nhịp trống, phách. Tùy thuộc vào thời gian và địa hình, chúng tôi có sự thay đổi các động tác trong bài biểu diễn sao cho tiết mục đặc sắc, tạo sự hứng thú cho người xem” - anh Đặng Quang Tuyến, Trưởng đoàn Lân- sư- rồng Duy Minh (TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Một tiết mục múa rồng

Một tiết mục múa rồng

Ngày nay, việc các câu lạc bộ múa lân- sư- rồng được thành lập và phát triển vừa làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, vừa góp phần bảo tồn những điệu múa cổ, nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc. Dù thời gian qua, nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ văn hóa của người dân có nhiều thay đổi nhưng múa lân- sư- rồng vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn và giá trị của vốn có của nó.

LÊ HOÀNG