Đổi mới tư duy về kinh tế tuần hoàn

22/07/2024 - 06:53

 - Kinh tế tuần hoàn không phải vấn đề gì cao xa, đó là những mô hình tận dụng phụ, phế phẩm trong quá trình sản xuất để tái sử dụng, tăng hiệu quả kinh tế và không tác động xấu đến môi trường. Điển hình như trong triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, việc đưa rơm ra khỏi đồng ruộng để tái sử dụng cũng là một hình thức của kinh tế tuần hoàn, vừa đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, vừa gia tăng giá trị sản xuất từ rơm rạ.

Xây dựng lực lượng nòng cốt

Mới đây, tại tỉnh An Giang đã diễn ra khóa tập huấn “Kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo rơm rạ trong chuỗi giá trị lúa gạo”. Khóa tập huấn do Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) phối hợp với Viện Khoa học phát triển nông thôn (SIRD), Tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Viện Quản lý nước quốc tế (IWMI) và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp tổ chức.

Tham gia khóa tập huấn, 35 học viên là cán bộ khuyến nông của các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ được tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý rơm rạ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, vừa trang bị lý thuyết, vừa tiếp cận thực tế và trao đổi, thảo luận trực tiếp tại các mô hình.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Tôn Thất Thịnh cho biết, kiến thức về kinh tế tuần hoàn trong chương trình tập huấn rất phù hợp với tiêu chí của Đề án “Phát triển  bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (Đề án 1 triệu héc-ta lúa). Tham gia tập huấn, học viên được nâng cao năng lực về quản lý và cơ giới hóa các khâu xử lý rơm rạ, đầu mối về thực hiện các mô hình kinh doanh rơm rạ và các công nghệ về ủ phân hữu cơ từ rơm rạ.

Lượng rơm thải ra sau thu hoạch lúa rất lớn

“Các học viên được tập huấn sẽ là lực lượng nòng cốt tham gia đào tạo nông dân, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn thời gian tới. Sau khóa tập huấn, An Giang sẽ tổ chức ít nhất 25 lớp đào tạo về quản lý rơm rạ, canh tác bền vững (SRP, GAP, IPM/MRL, VietGAP...) từ kinh phí hỗ trợ của GIZ và các nguồn huy động khác nhằm mở rộng các mô hình, đảm bảo hiệu quả trong thực tế” - ông Tôn Thất Thịnh nhấn mạnh.

Thay đổi tư duy

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tôn Thất Thịnh cho biết, thực tế thời gian qua, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã và đang thay đổi phương thức sản xuất của nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, nông dân An Giang, góp phần xây dựng mô hình khép kín, bảo vệ môi trường, tăng thêm nguồn thu, hình thành tư duy sản xuất mới.

Thu hoạch lúa xong, rơm được cuộn lại, cung cấp cho các hộ trồng nấm, sau đó tái sử dụng bả rơm để làm phân bón hữu cơ, bón lại cho lúa và các loại cây trồng; sử dụng rơm làm thức ăn cho gia súc, sau đó sử dụng phân của gia súc để làm phân bón hữu cơ phục vụ lại cây trồng; sử dụng trấu làm chất đốt và tro trấu thải ra được dùng làm phân bón cho cây trồng...

Ngoài ra, rơm và trấu còn được dùng cho nhiều mục đích sử dụng khác, như: Làm đệm lót sinh học, vật liệu xây dựng, làm than sinh học, đồ thủ công mỹ nghệ, dược phẩm...

Sau chương trình tại An Giang, các đơn vị tiếp tục tổ chức khóa tập huấn “Kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo rơm rạ trong chuỗi giá trị lúa gạo” tại tỉnh Đồng Tháp, với sự tham gia của cán bộ khuyến nông 3 tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng và Hậu Giang. Như vậy, những tỉnh có diện tích canh tác lúa lớn của vùng ĐBSCL đều được trang bị kiến thức, tư duy mới về chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính, vốn gây cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường, sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Các tổ chức trong nước và quốc tế, như: UNDP, IWMI, SIRD, GIZ đã đồng hành cùng Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), biên soạn bộ tài liệu trực quan, dễ hiểu về cách xử lý, sử dụng rơm rạ theo hướng kinh tế tuần hoàn; trực tiếp tham quan, thảo luận tại mô hình thực tiễn xử lý phế thải từ chuỗi giá trị lúa gạo tại địa phương để học tập kinh nghiệm.

“Mô hình phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững, góp phần thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa, đưa ĐBSCL trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước” - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) Tô Việt Châu nhấn mạnh.

Đồng hành thay đổi

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, mỗi năm, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL thải ra môi trường khoảng 24 triệu tấn rơm rạ, nhưng chỉ có 30% rơm (7,4 triệu tấn) được thu gom, còn 70% rơm rạ bị người dân đốt hoặc vùi vào đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí metan và các khí nhà kính khác. Để giải quyết, cần áp dụng kinh tế tuần hoàn, đưa phụ phẩm từ lúa  trở thành nguyên liệu cho các công đoạn tiếp theo, tạo ra hệ sinh thái gồm các sản phẩm chất lượng cao.

Tận dụng rơm canh tác rau màu

TS Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho rằng, với nguồn phụ phẩm dồi dào từ ngành lúa gạo, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, DN đến người nông dân để xây dựng những mô hình thực tiễn, hiệu quả.

“Chúng ta cần tập trung vào các lĩnh vực có nhiều triển vọng như sử dụng rơm trồng nấm, làm thức ăn và đệm lót sinh học cho chăn nuôi gia súc, phân hữu cơ từ rơm, biochar và biosilica từ trấu...

Đây là những giải pháp giúp nâng cao giá trị gia tăng của phụ phẩm lúa gạo, tạo ra năng lượng sạch và bền vững. Nhà nước cần có những chính sách và cơ chế khuyến khích phù hợp để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cho nông dân. Với nỗ lực phối hợp của tất cả các bên, tôi tin tưởng ngành lúa gạo Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu về kinh tế tuần hoàn xanh và bền vững” - TS Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, chỉ tính riêng diện tích thực hiện Đề án "Phát triển 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL", mỗi năm có 13 triệu tấn rơm và 6 tấn rạ được thải ra mỗi năm. Trong phạm vi của đề án, có thể thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn từ phụ phẩm rơm, rạ, trấu. Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thực hiện, nhưng cần sự chung tay của các tổ chức trong nước và quốc tế, DN, nông dân..

 

NGÔ CHUẨN