Đổi mới vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền lợi trẻ em

19/12/2019 - 07:45

 - Từ năm 2012-2019, huyện Chợ Mới xảy ra 35 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nếu trước đây, trẻ bị xâm hại thường ở độ tuổi 13-18, nay đã xuất hiện nhiều vụ việc trong lứa tuổi 5-13. Điều đáng quan tâm là các vụ xâm hại, bạo lực gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thể chất, tinh thần và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Đổi mới vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền lợi trẻ em

Nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho thiếu nhi ở địa bàn dân cư.

Bí thư Huyện đoàn Chợ Mới Nguyễn Thị Bích Liễu cho biết, Huyện đoàn Chợ Mới đã cụ thể hóa, không ngừng thay đổi phương thức hoạt động, luôn chủ động với những vấn đề mới xảy ra để chăm lo, bảo vệ quyền trẻ em. Chủ động tiếp xúc, lắng nghe, tổng hợp ý kiến của các em ngay tại địa phương để xây dựng thành một phần của các chương trình sinh hoạt Đoàn tại địa bàn dân cư. Ngay tại những câu lạc bộ, đội, nhóm cho thanh, thiếu nhi sẵn có hiện nay, các thủ lĩnh thanh niên có thể phối hợp cán bộ phụ trách theo từng lĩnh vực chuyên môn, tổ chức xã hội uy tín, đưa thêm nội dung giáo dục giới tính, kiến thức, kỹ năng cho trẻ em thông qua những hình thức tuyên truyền phù hợp. Đồng thời, lồng ghép, tăng cường sự xuất hiện của cha mẹ các em tại các buổi sinh hoạt này, nhằm tăng cường sự quan tâm, quản lý và giáo dục 2 chiều giữa gia đình và tổ chức đoàn thanh niên đối với trẻ em tại địa bàn dân cư.

Huyện đoàn phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức diễn đàn “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”, giúp trẻ em thể hiện quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội. Qua đó, các cấp, ngành xem xét và giải quyết những vấn đề, kiến nghị được trẻ em quan tâm, kêu gọi toàn xã hội tiếp tục hành động, dành sự quan tâm đến trẻ em, đặc biệt là những vấn đề về xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em, bạo lực đối với trẻ em. Ngoài ra, tổ chức tập huấn về kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phương pháp xử lý những vấn đề liên quan đến bạo hành trẻ em tại địa phương; tập huấn thiếu nhi các kỹ năng tự bảo vệ (thoát hiểm, ứng phó với thiên tai, các nguy cơ gây tai nạn thương tích) và kiến thức xử lý, sơ cấp cứu cho trẻ khi bị tai nạn thương tích. Phối hợp ngành chức năng kịp thời phát hiện và đưa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật, trẻ bị bệnh hiểm nghèo vào các mái ấm, các cơ sở từ thiện để chăm sóc, nuôi dưỡng cho trẻ em.

Hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được các cơ sở Đoàn chăm lo thông qua các đợt hoạt động “Vì đàn em thân yêu”, Ngày hội chăm lo cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đợt hoạt động hè, khai giảng năm học mới, ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6). Duy trì tổ chức “Ngày hội thiếu nhi vui khỏe”, chương trình “Học làm người có ích”, “Diễn đàn văn hóa ứng xử - phòng chống bạo lực học đường”… Qua các sân chơi, vận động hỗ trợ tặng quà, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn… Tại các xã, thị trấn phát động phong trào “Nuôi heo đất vì bạn nghèo”, “Kế hoạch nhỏ” trong các trường tiểu học, THCS nhằm giáo dục thiếu nhi lòng tương thân tương ái, hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em lao động sớm.

Chị Liễu chia sẻ, để vai trò giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Đoàn trong công tác bảo vệ quyền lợi của trẻ em được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, Đoàn thanh niên tiếp tục tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động thiết thực hơn nữa. Đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em, trách nhiệm của Đoàn thanh niên, các tổ chức thành viên về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tuyên truyền, vận động nhân dân giám sát việc thực thi pháp luật, giám sát và phát hiện kịp thời, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật về công tác bảo vệ trẻ em.

Các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách đối với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các gia đình, các cấp, ngành trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU