Đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

22/12/2022 - 13:59

Đối ngoại quốc phòng là một bộ phận quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Thời gian qua, các hoạt động đối ngoại quốc phòng được triển khai phong phú, hiệu quả, đóng góp tích cực trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, thực hiện đúng "kế sách", tôn chỉ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, với nhiều điểm sáng trong các hoạt động song phương và đa phương.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Triển khai chủ động, linh hoạt ở nhiều cấp 

Trong năm 2022, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được triển khai tích cực, chủ động, linh hoạt ở nhiều cấp, với nội dung phong phú, thiết thực, hiệu quả, tiếp tục góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có thể kể đến các hoạt động như: Tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 7, Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất; các hoạt động năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, “Giao lưu cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ nhất; hoàn thành có chất lượng sơ kết 10 năm thực hiện Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam và tổng kết công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng giai đoạn 2016-2021.

Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham dự Đối thoại Shangri La lần thứ 19, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng... cùng nhiều hoạt động về quân sự quốc phòng của quốc tế, được bạn bè thế giới, khu vực ghi nhận, đánh giá cao. 

Nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng, bên cạnh các hoạt động đa phương, Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, các nước ASEAN, bạn bè truyền thống... về lĩnh vực quân sự quốc phòng.

Nhận lời mời của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong năm 2022, lãnh đạo quân đội nhiều nước đã có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam. Tại các cuộc hội đàm, thảo luận trong các chuyến thăm, nhiều nội dung quan trọng đã được thống nhất, qua đó góp phần tăng cường quan hệ quốc phòng song phương giữa Việt Nam và các nước đối tác. 

Xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc

Một điểm sáng nổi bật trong đối ngoại quốc phòng của Việt Nam năm 2022 là việc Bộ Quốc phòng đã tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (VIET NAM DEFENCE 2022). Triển lãm diễn ra tại tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội) từ ngày 8 - 10/12, với sự góp mặt của trên 170 công ty, doanh nghiệp từ 30 quốc gia trên thế giới và các bộ, ngành Việt Nam cùng hơn 250 đoàn khách quốc tế và trong nước tham dự, trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp quốc phòng.

Sự kiện đánh dấu một bước tiến về hội nhập trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, khách tham quan trong nước và nước ngoài. Là Triển lãm Quốc phòng quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, bên cạnh hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp quốc tế, hoạt động cũng nhận được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo quân đội và đại diện ngoại giao các nước.

Triển lãm là dịp quảng bá, giới thiệu, trưng bày sản phẩm công nghệ, vũ khí trang bị do công nghiệp quốc phòng Việt Nam, các công ty, doanh nghiệp trong nước và quốc tế sản xuất nhằm tạo điều kiện mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Đây cũng là cơ hội tìm hiểu xu hướng phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật; đa dạng hóa các kênh hợp tác, mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất, cải tiến vũ khí, trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên hiện đại.

Tại Triển lãm, các doanh nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế đã trưng bày, giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho tất cả lực lượng hải quân, lục quân, phòng không - không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật. Việt Nam trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm các sản phẩm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - không quân, Quân chủng Hải quân, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); các công ty thương mại, dịch vụ của Bộ Quốc phòng) và Bộ Công an (Cục Công nghiệp an ninh) nghiên cứu, chế tạo.

Theo Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế cao cả. Vì vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, không chỉ là hợp tác trong mua sắm, chuyển giao công nghệ, hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự, mà còn là hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu học hỏi, tăng cường đoàn kết với Bộ Quốc phòng, quân đội các nước trong khu vực và thế giới vì mục đích hòa bình.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, Triển lãm đã mang lại cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu, sản xuất quốc phòng và các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang gặp gỡ, trao đổi và hợp tác thành công; góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác quốc phòng và hợp tác công nghiệp quốc phòng, đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Giữ vững môi trường hòa bình để phát triển 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…”. Chủ trương này cũng được cụ thể hóa tại Nghị quyết 806 của Quân ủy Trung ương về Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, được nêu rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “… giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước...” và “Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”.

Quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng theo chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và các ban, bộ, ngành. Trong những năm qua, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. 

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng), đến nay Bộ Quốc phòng đã cử 516 lượt cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 3 phái bộ ở Abyei, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Trụ sở Liên hợp quốc. Đặc biệt, trong năm 2022, Việt Nam cử 2 sỹ quan Quân đội là Trung tá Vũ Thị Liên và Đại úy Lê Như Tiến đi làm nhiệm vụ Cố vấn huấn luyện tại phái bộ Liên minh châu Âu ở Cộng hòa Trung Phi trong thời gian 1 năm. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam cử 2 sỹ quan đi thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ huấn luyện này. Mới đây nhất, Bộ Quốc phòng tiếp tục có 4 sỹ quan được nhận Quyết định của Chủ tịch nước đi làm nhiệm vụ tại phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi).

Theo đánh giá của các phái bộ và cơ quan Liên hợp quốc, sỹ quan Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại các phái bộ, thể hiện sự chuyên nghiệp, kỷ luật cao; có nhiều sáng tạo, dám nghĩ - dám làm; để lại nhiều ấn tượng rất tốt với lãnh đạo phái bộ, chỉ huy lực lượng quân sự đồng nghiệp quốc tế cũng như người dân nước sở tại. Bằng những đóng góp cụ thể, thiết thực, mang tính nhân văn cao, có đồng chí được Liên hợp quốc đề nghị kéo dài thời gian công tác từ 6 tháng đến 1 năm. 

Để làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng thay thế các quân nhân thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam thường xuyên chủ động tuyển chọn cán bộ đảm bảo năng lực, trình độ quân sự, kiến thức gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trình độ ngoại ngữ, đảm bảo sức khỏe tốt. Đồng thời, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã tổ chức huấn luyện các khóa học Sỹ quan Tham mưu Liên hợp quốc, Quan sát viên quân sự Liên hợp quốc, Huấn luyện tiền triển khai và cử một số cá nhân tham gia các khóa tập huấn tại nước ngoài.

Thời gian tới, chủ trương về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là tiếp tục triển khai Đội Công binh số 2, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ; hoàn thành Đề án xây dựng Trung tâm điều phối quốc gia về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...

Theo HIỀN HẠNH (TTXVN)

 

Liên kết hữu ích