Đón “đại bàng" đến An Giang “làm tổ"

06/01/2023 - 05:06

 - Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư ở An Giang, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Với thành công này, An Giang sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào năm 2023.

Hiệu ứng lan tỏa

Đầu năm 2022, An Giang vinh dự đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn). Đây là một trong những dự án được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018 và đã đưa vào hoạt động thực tế.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Long Trương Sỹ Bá nhấn mạnh, nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất Châu Á, có diện tích hơn 16ha, công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa 240.000 tấn, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. Nhà máy vận hành 100% giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ Châu Âu, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện với môi trường.

Với việc đưa vào vận hành nhà máy gạo lớn nhất Châu Á, Tập đoàn Tân Long sẽ tham gia thành lập hợp tác xã, đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng, phát triển thương hiệu gạo uy tín trong vùng Tứ giác Long Xuyên (chủ yếu tỉnh An Giang và Kiên Giang). Đây là điều Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và mong muốn nhân rộng khi về thăm An Giang và dự lễ khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, việc khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc là một trong những kết quả quan trọng từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, hội nghị được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo với vai trò khi đó là Thủ tướng Chính phủ.

Điều này thể hiện An Giang luôn tạo thuận lợi, khuyến khích các DN đầu tư tại tỉnh. Trong đó, nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, vừa tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách cho địa phương, vừa thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp An Giang theo hướng bền vững.

Sức hút nhà đầu tư

Việc đánh giá được tiềm năng, lợi thế cũng như cảm nhận được tinh thần đồng hành, hỗ trợ, cầu thị thu hút đầu tư của lãnh đạo tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018 nên nhiều tên tuổi lớn trong và ngoài tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư vào An Giang, điển hình như các tập đoàn: Nam Việt, Sao Mai, Lộc Trời, THACO, TH, T&T, Tân Long, Vĩnh Hoàn, Việt Úc…

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, nhờ sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và các địa phương, nhiều nhà đầu tư đã vượt khó triển khai dự án. Điển hình như Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH, diện tích 178,4ha, tổng vốn đầu tư 2.655 tỷ đồng, quy mô chăn nuôi đạt 10.000 con, công suất nhà máy chế biến sữa đạt 135 tấn/ngày, đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Tại vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên), Tập đoàn THACO đang triển khai Dự án trại heo nái - heo thịt công nghệ cao THAGRICO, diện tích đăng ký 147ha, tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, quy mô chăn nuôi đạt 182.600 con (16.600 heo nái và 166.000 heo thịt). Đến nay, nhiều trang trại nuôi heo công nghệ cao với quy mô từ 10.000 - 50.000 con/dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, đang vận hành khai thác.

Trong lĩnh vực thủy sản, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú và khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, do Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (thuộc Tập đoàn Nam Việt) đầu tư tại xã Bình Phú (huyện Châu Phú) với quy mô 600ha, vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng đã đi vào hoạt động.

Trong khi đó, Dự án sản xuất giống cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH sản xuất giống cá tra Vĩnh Hoàn (thuộc Tập đoàn Vĩnh Hoàn), diện tích 44ha, tổng vốn đầu tư 63 tỷ đồng, quy mô trên 1,5 triệu con cá tra hậu bị/năm (tỷ lệ 1kg/con), cá tra bố mẹ đạt 12.000 con/năm (tỷ lệ 3kg/con), cá tra thực nghiệm 5.300 tấn/năm… cũng đang triển khai.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, An Giang còn đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và đô thị với hàng loạt dự án được triển khai, như: Golden City, Diamond City, Marina Plaza, khu đô thị mới Vàm Cống, khu đô thị mới Bình Khánh...

“Các dự án này sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái đô thị khép kín, gắn với đô thị thông minh, đồng bộ, mang bản sắc đô thị sông nước miền Tây. Qua đó, giúp mang đến diện mạo mới, hiện đại, năng động cho đô thị loại I TP. Long Xuyên trong tương lai” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phân tích.

Đa dạng các hình thức đầu tư

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, bên cạnh thu hút đầu tư trong nước, An Giang còn đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) để đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo phục vụ cho nông nghiệp, tận dụng triệt để những cơ hội và lợi thế do các Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU), RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực)… mang đến.

“Tỉnh ưu tiên các dự án có khả năng hỗ trợ DN tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng tiết kiệm đất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao” - ông Thư nhấn mạnh.

Kết thúc năm 2022 và chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023, An Giang tập trung giới thiệu và thu hút DN đầu tư vào những dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, gồm: Hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp; công nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; văn hóa - xã hội - môi trường. Trong đó, mỗi lĩnh vực có ít nhất 1 dự án quy mô lớn có tính động lực, tạo sự lan tỏa cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Không đợi nhà đầu tư tìm đến, tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với các nước Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Israel, Thái Lan, Singapore… để mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, có thế mạnh trong các lĩnh vực khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản, đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, logistics, hạ tầng khu cụm công nghiệp…

Trước khi diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023, các đoàn công tác của tỉnh sẽ chủ động đi xúc tiến, mời gọi các tập đoàn lớn, như: T&T, NovaGroup, BIM, TMS, THACO, TH, VinGroup, SunGroup... đến khảo sát, tiếp tục tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, thương mại - dịch vụ, du lịch... trên địa bàn An Giang. Trong đó, ưu tiên xúc tiến hợp tác đầu tư theo hình thức chuỗi liên kết, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, An Giang sẽ xây dựng và triển khai dự án cơ sở dữ liệu về bản đồ số DN, cập nhật các dự án đầu tư trên nền bản đồ Google map để định vị các dự án đã, đang và sẽ đầu tư.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023, tỉnh sẽ xây dựng đề cương chi tiết các dự án trọng điểm thuộc danh mục các dự án kêu gọi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng, thế mạnh về tài chính và công nghệ, đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên mời gọi giai đoạn tới, như: Phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, cảng sông; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế, công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh; phát triển đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội; nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn; du lịch và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

NGÔ HOÀNG