Đông đảo du khách và người dân tham dự Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân
25/08/2024 - 14:36
Sáng 25/8, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), phần hội quan trọng và đặc sắc nhất của Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân năm 2024- Nghinh Ông xuất du đã diễn ra trong sự thích thú của đông đảo người dân và du khách.
AA
Đây là một lễ hội hóa trang đường phố quy mô lớn và được tổ chức định kỳ 2 năm một lần.
Từ 5 giờ sáng, khắp các tuyến đường trung tâm thành phố Phan Thiết trở nên rộn ràng, sôi động bởi đoàn Nghinh Ông xuất du với sự tham gia của gần 1000 người đến từ các Hội quán người Hoa tại thành phố Phan Thiết. Bắt đầu xuất phát từ Quan Đế Miếu, đoàn Nghinh Ông diễu hành trên các con đường có đông người Hoa sinh sống, buôn bán như: Trần Phú- Lý Thường Kiệt- Trưng Trắc- Nguyễn Văn Cừ…
Trong quá trình Nghinh Ông xuất du, mỗi hội quán trình diễn những tiết mục đặc sắc của mình như: múa cung đình, múa quạt, thiếu nhi gánh hoa, kết hợp với múa lân- sư- rồng, biểu diễn võ thuật... Nhiều nhân vật lịch sử, văn hóa của người Hoa được hóa trang, tái hiện đẹp mắt. Đặc biệt, điểm thu hút người dân là phần biểu diễn của Rồng xanh bằng vải, dài 49 mét.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân diễn ra từ ngày 23 - 25/8 với nhiều hoạt động của phần lễ và phần hội. Phần lễ tái hiện nhiều nghi lễ dân gian truyền thống được các thế hệ người Hoa ở Phan Thiết bảo lưu và kế thừa như: Lễ thỉnh Thánh Mẫu, lễ thỉnh kinh, lễ yết Quan Thánh và cúng bái các vị tiền hiền... Phần hội sôi động và đặc sắc với các hoạt động: Nghinh Ông xuất du, ca múa hát, biểu diễn văn nghệ…
Năm nay lễ hội được tổ chức bài bản, chu đáo và quy mô. Các hội quán đã chuẩn bị từ vài tháng trước, dàn dựng thêm một số tiết mục mới, đẹp mắt để trình diễn. Để lễ hội diễn ra an toàn, đảm bảo an ninh trật tự, Công an thành phố Phan Thiết đã phân công lực lượng để phân luồng, hướng dân giao thông trên các tuyến đường hướng về khu vực diễn ra lễ hội, tránh để tình trạng ùn tắc giao thông.
Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian địa phương, có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình an. Từ lâu lễ hội này không còn là tín ngưỡng riêng của người Hoa ở Bình Thuận mà đã trở thành ngày hội của du khách và người dân địa phương. Đây là một trong các lễ hội được tỉnh Bình Thuận chọn để phục vụ phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến Phan Thiết - Bình Thuận đến với du khách trong, ngoài nước…
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: