Đồng hành thanh niên khởi nghiệp

19/10/2022 - 07:19

 - Với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, phát triển kinh tế gia đình, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng những mô hình phát triển kinh tế sáng tạo, hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương.

Khởi nghiệp từ mô hình trồng sen đá và dưa lưới

Bí thư Huyện đoàn Châu Thành Trương Thành Trung cho biết, những năm qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện triển khai sâu rộng phong trào khởi nghiệp gắn với phong trào lập thân, lập nghiệp, xung kích phát triển kinh tế gia đình, bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ làm giàu chính đáng.

 Huyện đoàn phối hợp các cấp, ngành tổ chức đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình cho thanh niên tham quan học tập; thành lập các câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế…

Để ĐVTN có định hướng đúng đắn và có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế, các cấp bộ Đoàn huyện Châu Thành đã có nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên trong xây dựng phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể thông qua các chương trình, dự án; tạo điều kiện để ĐVTN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư, phát triển ngành nghề sản xuất - kinh doanh (SXKD). Đặc biệt, Huyện đoàn Châu Thành triển khai thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ thanh niên thoát nghèo, đã hỗ trợ cho 13 thanh niên vay vốn phát triển SXKD, với lãi suất 0%.

Tiêu biểu: Thanh niên Lê Vũ Linh với mô hình “làm chậu kiểng”; Cao Thành Nghĩa với mô hình “Vườn - ao - chuồng”; Đỗ Minh Trung với mô hình “Sản xuất tủ nhôm”; Cao Thị Kiều Ngân với mô hình dịch vụ “Thể dục thẩm mỹ”; Hồ Thị Minh Tâm với mô hình “Cà-phê sạch”; Hồ Văn Đầy với mô hình trồng “Cúc pha lê”; Huỳnh Hữu Hậu với mô hình “Nuôi heo sinh sản”; Nguyễn Thị Tiếng với mô hình “Trồng nấm rơm”; Lê Thành Trung với mô hình “Nuôi lươn sinh sản”; Trần Trung Hiếu với mô hình đổi mới sáng tạo “Giải pháp hạn chế chết dây trên cây dưa leo” bằng các giải pháp sinh học; Lê Tuấn Kiệt với mô hình kinh doanh văn phòng phẩm; Huỳnh Thúy Quỳnh với mô hình trồng và kinh doanh “Cây hoa cảnh”…

Từ các chương trình, phong trào, hoạt động thanh niên khởi nghiệp đã thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của ĐVTN, đóng góp vào sự phát triển KTXH, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Đam mê nông nghiệp từ nhỏ, với mong muốn mang thực phẩm sạch đến người dân, anh Phan Thành Chiến (xã Vĩnh Nhuận), đã phát triển thành công mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Qua 2 năm thực hiện, vườn dưa lưới của anh Chiến đã cung cấp cho thị trường loại nông sản đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập cao, ổn định và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, anh Chiến đã mạnh dạn đầu tư 2 nhà màng, với diện tích 1.000m2, mang lại thu nhập từ 60-80 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng và kinh doanh “Cây hoa cảnh” của thanh niên Huỳnh Thúy Quỳnh (xã Vĩnh Thành) được nhiều người tham quan học tập. Với niềm đam mê, Thúy Quỳnh dành thời gian tìm hiểu thông tin, kỹ thuật trồng xương rồng và sen đá. Hiện nay, Thúy Quỳnh sở hữu khu vườn xương rồng, sen đá với hàng chục chủng loại, nhiều hình dáng, kích thước, màu sắc khác nhau. Theo Quỳnh, mỗi cây, mỗi dòng tùy kích thước, độ đẹp... sẽ có giá khác nhau. Mỗi tháng, Thúy Quỳnh xuất bán vài trăm chậu sen đá, thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Thúy Quỳnh còn trồng thêm cây xanh và linh sam để tăng thu nhập.

Thời gian tới, Huyện đoàn Châu Thành sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hiệu quả phong trào khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp, xung kích phát triển kinh tế gia đình, với nhiều hình thức đa dạng. Duy trì và nhân rộng các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp thành công; phát huy hiệu quả Đề án hỗ trợ thanh niên thoát nghèo; giúp các ĐVTN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khác để phát triển SXKD. Thường xuyên phối hợp các ngành chức năng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm; tạo điều kiện cho ĐVTN tham quan mô hình khởi nghiệp hiệu quả để học tập kinh nghiệm. Qua đó, tạo động lực để ĐVTN tiếp tục rèn luyện bản thân, mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế.

TRUNG HIẾU