Động lực mới từ Quy hoạch tỉnh An Giang

24/01/2024 - 05:05

 - Việc UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thể chế hóa, khái quát hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh về lâu dài.

Quy hoạch đồng bộ

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết, tỉnh xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ hàng đầu, nhằm tạo khung pháp lý cao nhất, là công cụ quan trọng để định hướng phát triển không gian KTXH; phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Ngay sau khi Luật Quy hoạch ra đời, An Giang đã triển khai công tác lập quy hoạch, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành, của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện quy hoạch, thông qua Hội đồng thẩm định Trung ương, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.

Lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang

Sau khi Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 1369/QĐ-TTg, ngày 15/11/2023), UBND tỉnh đã tổ chức lễ công bố với sự tham dự của các bộ, ngành Trung ương, Quân khu 9, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL... nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các tầng lớp nhân dân để triển khai quy hoạch đạt hiệu quả cao nhất.

“Tỉnh tập trung các giải pháp đồng bộ nhằm đạt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

Doanh nghiệp ủng hộ

Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng, Quy hoạch tỉnh An Giang là cơ sở pháp lý quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, tạo điều kiện thu hút thêm nhiều DN đầu tư vào tỉnh.

“Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, diện tích chủ yếu tập trung ở An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Trong đó, An Giang có 250.000ha đất lúa, với điều kiện sản xuất rất tốt, sẽ đóng góp quan trọng trong đề án 1 triệu ha; khả năng 5 - 10 năm là đạt thành công với đề án này” - ông Thòn đánh giá.

Trao thỏa thuận hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, hiện có một số nước nhập khẩu lương thực lớn, như: Indonesia, Phillippines... mong muốn Việt Nam cung cấp lương thực ổn định cho họ. Như vậy, đầu ra lúa gạo không phải lo, nhưng rào cản phát triển lương thực là thu nhập nông dân trồng lúa không bằng các loại cây trồng khác.

“Nhằm giải quyết bài toán kinh tế, công ty đã và đang nghiên cứu chuyển phụ phẩm, phế phẩm cây lúa thành giá trị gia tăng, giúp nông dân có thêm thu nhập, phải đảm bảo cao hơn những loại cây trồng khác để giữ đất lúa. Tập đoàn Lộc Trời cam kết sẽ đồng hành với An Giang, đưa cây lúa phát triển xứng tầm với quy hoạch tỉnh” - ông Thòn nhấn mạnh.

Cam kết đồng hành của DN được thể hiện rõ khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là một trong 9 DN được Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước trao bản thỏa thuận hợp tác đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng tặng hoa chúc mừng.

Nói như Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, con số 9 DN đăng ký đầu tư vào tỉnh nhân lễ công bố quy hoạch như tượng trưng cho con số 9 dòng sông của ĐBSCL, cho thấy niềm tin, kỳ vọng lớn của các DN, nhà đầu tư vào đột phá phát triển của tỉnh.

Khẩn trương triển khai quy hoạch

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho rằng, việc công bố Quy hoạch tỉnh An Giang là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của tỉnh, là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đưa An Giang phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong 30 năm tới.

Để thực hiện tốt nội dung quy hoạch, biến khát vọng và tầm nhìn thành hiện thực, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch đến cộng đồng DN, các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong thực hiện quy hoạch.

Trên cơ sở nội dung quy hoạch, các cấp, ngành và địa phương phối hợp triển khai kế hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện.

Các ngành chuyên môn tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, sửa đổi; đề nghị sửa đổi các chủ trương, chính sách, quy định đã ban hành; đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển KTXH từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đánh giá mức độ thiết yếu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển KTXH theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh An Giang...

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu khẩn trương chuẩn bị chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá, sức lan tỏa, nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế.

NGÔ CHUẨN