Đồng tâm hiệp lực, ứng phó đại dịch toàn cầu

01/04/2020 - 06:05

 - “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi đất nước lâm nguy, tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn...”. Ngay trong giai đoạn khó khăn chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay, tinh thần ấy lại càng phát huy để cả dân tộc Việt Nam cùng chung tay chống lại đại dịch toàn cầu.

Trao quà hỗ trợ người dân cách ly tập trung ở huyện An Phú

Hơn 2 tháng qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đồng tâm, dốc toàn bộ sức lực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh ở quy mô chưa từng có trong lịch sử. Nhiều người sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ, quyên góp để hỗ trợ kịp thời và ứng phó tốt với cơn đại dịch mang tính toàn cầu.

Đội ngũ các y, bác sĩ sẵn sàng xung phong trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Lực lượng bộ đội sẵn sàng nhường chỗ đóng quân để người dân có nơi ở cách ly, trong khi các anh ở tạm trong những lều trại nơi tuyến đầu biên giới để vừa làm tốt công tác chống dịch, vừa đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh.

“Chúng tôi đã dọn dẹp mùng, mền, giường chiếu rất sạch sẽ, chuẩn bị chu tất nhất mọi thứ để đón đồng bào vào các khu cách ly. Quân chăm lo chu đáo, dân đồng lòng hợp tác, đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ bị ngăn chặn và đẩy lùi” - một chiến sĩ trẻ chia sẻ.

Là địa phương nơi “tuyến đầu”, An Phú (An Giang) đã thành lập các tổ phục vụ hậu cần tại các điểm cách ly trên địa bàn, nhằm đảm bảo chăm lo đời sống, ăn uống của người dân trong 14 ngày cách ly. Mỗi người dân khi ở trong khu cách ly sẽ được hỗ trợ suất ăn trị giá 57.000 đồng/ngày, ngoài ra bộ đội sẽ cung cấp thêm các nhu yếu phẩm, đồ dùng cá nhân như: bàn chải, kem đánh răng, xà bông… với hơn 10 mặt hàng (miễn phí) để bà con được sinh hoạt với điều kiện tốt nhất có thể.

Tại điểm cách ly Đại đội Bộ binh 5 (xã Phước Hưng), hàng ngày, bộ phận phụ trách nấu ăn và các tình nguyện viên với gần 10 người, phải dậy từ rất sớm để đi chợ, lựa chọn thực phẩm lo 3 bữa ăn cho bà con. Mỗi khẩu phần ăn luôn có đầy đủ thịt, cá, rau, củ… để đảm bảo dinh dưỡng cho người dân. Phối hợp chặt chẽ đảm bảo tốt khâu y tế, hậu cần, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số Chăm có chế độ ăn uống và sinh hoạt tôn giáo theo quy định nên việc đảm bảo gặp đôi chút khó khăn.

Huyện An Phú đã nhanh chóng bố trí các bác sĩ là người Chăm để chăm sóc y tế; phối hợp người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Chăm để tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn bà con thực hiện các nghi thức tôn giáo hàng ngày tại nơi cách ly… nên tình hình rất ổn định, bà con thực hiện tốt việc cách ly. Đồng thời, bà con thường xuyên rửa tay, vệ sinh khu vực phòng ở, đeo khẩu trang thường xuyên, không tập trung đông người… nhằm tránh trường hợp bị lây nhiễm chéo.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta đang triển khai rất tốt công tác ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19, trong đó có việc phát hiện sớm, khoanh vùng nhanh, cách ly triệt để ngay từ đầu. Tất cả các cấp, ngành, “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, không ai đứng ngoài cuộc và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần dân tộc. Ngay khi Ủy ban Trung ương MTTQVN ra lời kêu gọi vận động đóng góp ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ số tiền hơn 230 tỷ đồng (tiếp tục nhận đến 30-4-2020).

Tối 21-3, UBMTTQVN tỉnh An Giang phối hợp UBND tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tổ chức truyền hình trực tiếp lễ phát động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ người dân bị thiệt hại do hạn hán.

Thời gian tổ chức vận động, quyên góp đến ngày 30-4-2020; thời gian tiếp nhận tin nhắn đóng góp về Ủy ban Trung ương MTTQVN, kết thúc đến 24 giờ, ngày 18-6-2020. Tại buổi lễ, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký ủng hộ tiền và hiện vật trị giá 13 tỷ đồng, 20 tấn gạo, 13.000 khẩu trang y tế…

Lại một lần nữa thế giới phải nghiêng mình trước tinh thần kiên cường của dân tộc Việt Nam. Mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng chúng ta rất chuyên nghiệp, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh với những giải pháp ngay từ đầu bằng các phương án rất bài bản, khoa học. Tuy kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã chăm lo rất chu đáo việc tiếp nhận, cách ly công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch, nhất là chăm lo chu đáo việc cách ly, điều trị cho người bệnh là du khách nước ngoài.

Trong khoảng thời gian 2 tuần này được xem là thời gian vàng, là giai đoạn mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra lời kêu gọi như một lời hiệu triệu, yêu cầu ít nhất khoảng thời gian này, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả mọi hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người, trong đó đặc biệt lưu ý người dân cần phải hạn chế ra đường, hạn chế đi lại những nơi không cần thiết…

Là công dân Việt Nam, mỗi người chúng ta nên phát huy tinh thần, trách nhiệm và có thái độ ứng xử đúng đắn; thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống và ứng phó để chung tay, cùng với cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19.

HỮU HUYNH